Ngắm đĩa bay thực của quân đội Mỹ nhưng chưa từng cất cánh

Vào những năm 1950, Không quân Canada muốn tạo ra một phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) có thể bay dưới radar, đánh chặn máy bay địch với tốc độ cao.

VZ-9AV, với hình dạng đĩa là giải pháp được đề xuất. Chiếc máy bay giống như trong phim khoa học viễn tưởng nhưng để phục vụ mục tiêu thực tế

Nhà thiết kế John Carver “Jack” Frost đã vẽ ra chiếc Avrocar để tận dụng hiệu ứng Coanda, một nguyên lý khiến chất lỏng đi theo một đường cong để cung cấp lực nâng và lực đẩy cho động cơ bằng cách thổi khí thải ra khỏi vành chiếc máy bay hình tròn.

Các thiết kế ban đầu của máy bay hứa hẹn rằng nó sẽ có thể đạt tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh, từ đó tạo ra máy bay ném bom chiến đấu siêu thanh mà người Canada mong muốn.

Bản vẽ thể hiện các cơ chế bên trong của Avrocar và vị trí đặt động cơ. Các lỗ thông hơi và quạt trong Avrocar sẽ hướng lực đẩy xuống dưới và tạo ra một lớp đệm không khí cho phép Avrocar bay lơ lửng ở độ cao thấp.

Khi dự án trở nên quá tốn kém, vào năm 1958, chính phủ Mỹ đã tiếp quản và tài trợ phần còn lại.

Mọi chuyện trở nên phức tạp. Lục quân và Không quân quan tâm đến Avrocar vì nhiều lý do khác nhau.

Lục quân Mỹ muốn có một máy bay vận tải và trinh sát mọi địa hình bền bỉ và có khả năng thích ứng để thay thế các máy bay quan sát hạng nhẹ cũng như trực thăng hiện nay.

Lực lượng Không quân Mỹ lại bị hấp dẫn hơn bởi khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng của Avrocar. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, máy bay có khả năng bay lượn bên dưới radar của đối phương và tăng tốc lên tốc độ siêu âm.

Chiếc Avrocar cuối cùng có đường kính 8m, cao 1,8m, và nặng khoảng 2.200 kg.

Avrocar trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên với phi công ngồi trên một trong hai ghế.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng nghiên cứu và thiết kế, nguyên mẫu thậm chí còn không thể bay lên trời hoàn toàn và chỉ đạt được khả năng bay lơ lửng cách mặt đất chừng 1m.

Nhóm kỹ sư làm việc trong dự án đã phát hiện ra rằng thiết kế hình tròn của chiếc máy bay này không có tính khí động học cao và cũng không có khả năng tàng hình.

Việc thiếu công nghệ máy tính vào thời điểm đó và những sai sót trong thiết kế của máy bay đòi hỏi các phi công phải điều khiển từng động cơ riêng biệt, điều này vô cùng khó khăn. Đến tháng 12-1961, dự án bị hủy bỏ vĩnh viễn.

Năm 2007, chiếc máy bay này được đưa về Bảo tàng Quốc gia Không quân Mỹ và kể từ đó đã được phục hồi.

Nhưng Avrocar không phải là một thất bại hoàn toàn. Thiết kế dùng quạt nâng được phát hiện trong quá trình phát triển đĩa bay đã được sử dụng để các máy bay đời sau như AV-8B Harrier II, V-22 Osprey và F-22 Raptor hay F-35B có thể thực hiện thao tác cất cánh ngắn.