Ngân hàng ABBank nợ xấu tăng, chi phí dự phòng lớn kéo tụt lợi nhuận

Áp lực từ trích dự phòng rủi ro khi nợ xấu tăng mạnh

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2023 của ABBank cho thấy, tính đến ngày 30/9/2023, lãi trước thuế 708 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 565 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng (tương ứng với giảm 60%) so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận của ABBank tụt giảm khi thu nhập từ lãi thuần giảm 569 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 20%. Lãi từ hoạt động khác giảm 262 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 76%.

Cho vay khách hàng của ngân hàng này đạt 81.800 tỷ đồng, giảm 0,5% so với đầu năm trong khi tiền gửi khách hàng tăng 10,4% so với đầu năm lên hơn 92.839 tỷ đồng.

Lợi nhuận tại ABBank bị “ăn mòn” bởi chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh để chống đỡ với nợ xấu. Chi phí rủi ro tín dụng tăng 523 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, nợ xấu tăng 21% so với đầu năm lên hơn 2.861 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến hết quý 3 năm 2023, nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay đã tăng từ 2,88% lên 3,51%, trên ngưỡng 3% theo quy định của ân hàng Nhà nước, mức không an toàn.

Cơ cấu nợ xấu có sự chuyển dịch giảm nợ nhóm 5 nhưng tăng mạnh nợ nhóm 3,4. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 100% so với đầu năm, từ 540 tỷ đồng lên gần 1.080 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 123% từ 421 tỷ đồng lên hơn 939 tỷ đồng còn nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 40% về mức gần 842 tỷ đồng.

Theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN và Công văn số 6561/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng cần duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Vượt quá tỷ lệ này bị coi là không an toàn.

Ảnh minh họa: KT

Lợi nhuận các ngân hàng sẽ tiếp tục tụt giảm vào quý 4?

Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp các ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện tài chính của ngân hàng và hồ sơ khách hàng. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn phải phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Dù được phép cơ cấu nợ, song do yêu cầu phải trích lập dự phòng rủi ro 100% cho các khoản nợ cơ cấu trong khi nguồn lực tài chính của mỗi ngân hàng có hạn, nên nhìn chung, triển vọng lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm nay vẫn không lạc quan bằng các năm trước.

Theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực tài chính, năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng chỉ tăng 11 - 13%, chỉ gần bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017 - 2021 (28%). Trong kịch bản tiêu cực, lợi nhuận các ngân hàng này có thể chỉ tăng khoảng 10% trong năm nay.

PV/VOV.VN