Ngành dược phẩm toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức

Ngành dược phẩm đã trở thành một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trung bình khoảng 5,9%, và được dự đoán sẽ đạt giá trị 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2028. Bên cạnh những tiến bộ vượt bậc trong việc hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh cho con người, ngành dược phẩm toàn cầu cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ lạm phát, xung đột địa chính trị cho đến áp lực giảm giá thuốc và các bê bối về chất lượng sản phẩm. Mới đây nhất, một số loại thuốc siro ho nhiễm độc đã được phát hiện ở nhiều nước, cướp đi sinh mạng của hàng trăm trẻ em. Nhiều trẻ dù may mắn qua cơn nguy kịch nhưng lại phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. Tình trạng cắt giảm chi phí, kiểm soát chất lượng kém là mặt trái lâu nay của ngành dược phẩm, cho thấy chính phủ các nước cần thực sự quan tâm và siết chặt quản lý để tránh các thảm kịch tương tự tái diễn.

Siro ho nhiễm độc – Bài học cho sự buông lỏng quản lý

Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ bê bối siro ho nhiễm độc năm 2022, với hơn 200 trẻ tử vong. Những em nhỏ may mắn không bị cướp đi mạng sống, thì đang phải chịu những di chứng kéo dài. Hàng trăm trẻ em ở Indonesia, Gambia đến Uzbekistan bị ộ độc do siro ho trong hai năm qua. Theo các nhà điều tra, các siro ho này chứa ethylene glycol, một hóa chất độc hại thường có trong dầu phanh và chất chống đông. Các vụ ngộ độc đã dẫn đến hàng loạt các cuộc điều tra và kiện tụng hình sự ở ít nhất bốn quốc gia, cùng sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

Nhiều trẻ em ở Indonesia bị ngộ độc siro ho dẫn đến di chứng kéo dài.

Indonesia tuyên bố thắt chặt các quy định nhập khẩu và tăng cường kiểm tra các loại dược phẩm. “Quốc gia Vạn đảo” cũng thu hồi giấy phép hoạt động của ít nhất ba công ty. Ấn Độ yêu cầu tất cả các sản phẩm dược phải được kiểm nghiệm và cấp chứng nhận an toàn của cơ quan chức năng. Trong khi đó, ổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nhà sản xuất thử nghiệm kỹ lưỡng hơn, đồng thời phối hợp với các quốc gia liên quan để điều tra chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu đối với các loại siro ho. Theo các chuyên gia, đây sẽ là bài học đắt giá của ngành dược phẩm. Các khâu kiểm tra, giám sát và quản lý phải được tiến hành nghiêm túc và thận trọng, nếu không, thế giới sẽ còn chứng kiến thêm thảm kịch đau lòng liên quan tới các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nhà sản xuất thử nghiệm kỹ lưỡng hơn đối với siro ho.

Người dân không đủ tiền mua thuốc theo kê đơn

Theo thống kê, khoảng 4,5 tỷ người, tức hơn một nửa dân số toàn cầu, không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó có dược phẩm. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do giá thuốc quá cao so với khả năng chi trả của người dân, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Hiệp hội Dược phẩm Nigeria cho biết giá thuốc, trong đó có cả thuốc điều trị các bệnh mãn tính, đã tăng tới 1.000% ở Nigeria trong những tháng gần đây, buộc nhiều bệnh nhân phải giảm liều hoặc chuyển sang các loại thuốc giá rẻ, chất lượng thấp.

Ông Cyril Usifoh, Chủ tịch Hiệp hội Dược phẩm Nigeria cho biết: “Nếu bạn đã mua bất kỳ loại thuốc nào, đơn giản như paracetamol trong vòng 2-3 tháng trở lại đây, bạn sẽ biết giá tăng lên như thế nào. Tôi đặc biệt lo lắng với các sản phẩm như thuốc điều trị ung thư, tiểu đường và chống tăng huyết áp, chúng vừa khó mua, giá cả lại rất cao”.

Người dân Nigeria không đủ tiền mua thuốc theo kê đơn.

Các quan chức ngành dược phẩm cho biết sự mất giá của đồng naira sau khi Nigeria dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ hồi tháng 6 năm ngoái đã khiến giá thuốc tăng vọt. Nếu cách đây vài tháng, 463 nairo đổi một đô la Mỹ, thì tỷ giá hiện nay là khoảng 1000 naira đổi một đô la.

Cùng với đó, việc các hãng dược phẩm lớn như GSK của Anh rút lui khỏi thị trường Nigeria, khiến tình trạng khan hiếm ngày càng trầm trọng, khi quốc gia Tây Phi này phụ thuộc vào nhập khẩu và gần như không có nguồn sản xuất trong nước. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến các hãng dược rời Nigeria là do môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt, ngoại hối khan hiếm, tỷ lệ lạm phát, lãi suất cho vay và chi phí sản xuất đều ở mức cao, khiến các công ty này gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn cung cấp thuốc và vắc xin ổn định trên thị trường.

Hiện giá một ống hít hen suyễn do GSK sản xuất được bán lẻ với giá lên tới 70.000 naira, tăng gần 10 lần so với mức giá vào tháng 4. Thuốc kháng sinh như Augmentin lên tới 25.000 naira, tăng hơn 5 lần so với mức 4.500 naira vào tháng Bảy. Sự chênh lệch quá lớn này đang khiến nhiều người trở thành nạn nhân của thuốc giả. Tuy nhiên, người tiêu dùng không phải là đối tượng duy nhất phải hứng chịu tác động tiêu cực của lạm phát giá thuốc. Doanh số bán hàng thấp hơn và chi phí tăng cao cũng dẫn đến tình trạng nhiều công ty và nhà bán lẻ dược phẩm đóng cửa, thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc sa thải nhân viên.

Do đó, hầu hết các chuyên gia tin rằng Nigeria cần một cách tiếp cận triệt để để bảo vệ người dân khỏi những tác động tiêu cực của giá thuốc quá cao. Abuja cần phải xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm bền vững, tích hợp đầy đủ các hệ thống bảo trợ xã hội, ưu tiên nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất. Được biết, chỉ một tỷ lệ nhỏ trong tổng số 200 triệu dân của Nigeria tham gia bảo hiểm y tế.

Nước mỹ nỗ lực giảm giá thuốc

Câu chuyện giá thuốc tưởng chừng chỉ xảy ra ở những quốc gia nghèo có thu nhập thấp, nhưng đã và đang tồn tại nhiều năm ở Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden hồi giữa tháng 12 cho biết, hàng trăm nghìn người dân cao tuổi nước này có thể trả ít tiền hơn cho một số loại thuốc dùng để điều trị ngoại trú bắt đầu từ đầu năm 2024, đồng thời tuyên bố phạt hàng chục hãng dược phẩm vì tăng giá một số loại thuốc cao hơn tỷ lệ lạm phát.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết cần hành động đối với việc tăng giá thuốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu: “Trong nhiều năm, chúng ta không có sự kiểm tra xem các hãng dược phẩm tăng giá thuốc nhanh như thế nào. Trước khi chính phủ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, các hãng dược phẩm đã tăng giá gấp gần bốn lần so với tốc độ lạm phát. Giá thuốc hiện đã quá cao. Chúng ta cần cùng nhau hành động”.

Nhà Trắng đã công bố danh sách 48 loại thuốc từ phương pháp điều trị bằng hóa trị đến hormone tăng trưởng dùng để điều trị rối loạn nội tiết, có giá tăng nhanh hơn tỷ lệ lạm phát trong năm 2023. Theo Đạo luật Giảm lạm phát, các hãng dược phẩm sẽ phải hoàn tiền cho chính phủ liên bang vì các mức tăng giá đó. Số tiền này sẽ được sử dụng để giảm giá thuốc cho những người đăng ký tham gia Medicare, một chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ dành cho những người từ 65 tuổi trở lên và người khuyết tật.

Trước đó, hồi tháng 9/2023, Nhà Trắng cũng công bố 10 loại thuốc đầu tiên mà Medicare sẽ tiến hành thương lượng giá với các hãng dược phẩm, bắt đầu từ năm 2026. Đây là các loại thuốc phổ biến và đắt tiền, trị tiểu đường, tim mạch và các bệnh mãn tính khác. Cơ chế thương lượng giá với các nhà cung cấp có thể giúp Medicare tiết kiệm gần 100 tỷ USD trong vòng 10 năm, đồng thời giảm chi phí tiền túi (không được bảo hiểm chi trả) cho các đối tượng thụ hưởng.

Kế hoạch kiểm soát và giảm giá thuốc của chính quyền Tổng thống Biden sẽ gặp nhiều thách thức.

Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của chính phủ, các nhà sản xuất thuốc bao gồm Pfizer (Mỹ), Sanofi (Pháp) và Takeda (Nhật Bản) có kế hoạch tăng giá hơn 500 loại thuốc tại Mỹ ngay trong tháng 1 này. Lí giải về việc tăng giá thuốc, các công ty này cho biết, quyết định xuất phát từ những lo ngại về sự gián đoạn mới đối với chuỗi cung ứng do cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông. Ngoài ra, ngành dược phẩm trong thời gian này cũng phải đối mặt với lạm phát và chi phí sản xuất cao hơn.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch kiểm soát và giảm giá thuốc của chính quyền Tổng thống Biden sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình triển khai, vào thời điểm nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ suy thoái nhẹ vào năm 2024 và những diễn biến địa chính trị phức tạp trên toàn cầu.

Mặt khác, giảm giá thuốc, trong ngắn hạn, sẽ giúp người bệnh dễ chịu, ngân sách công ít thâm hụt hơn, nhưng về lâu dài, chính bệnh nhân và xã hội sẽ gặp bất lợi khi các hãng dược không mặn mà đầu tư vào các loại thuốc mới nữa. Tháng 11 năm ngoái, Eli Lilly, một nhà sản xuất dược phẩm lớn của Mỹ, đã loại bỏ một loại thuốc trị ung thư phân tử nhỏ khỏi hệ thống sản xuất, vì cho rằng Đạo luật Giảm lạm phát đã khiến khoản đầu tư này không khả thi.

Mỹ là thị trường dược phẩm lớn nhất thế giới, đóng góp doanh số 630 tỷ USD trong năm 2022, chiếm 42% tổng doanh thu toàn cầu. Ngoài vai trò tiêu thụ, Mỹ còn dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển dược phẩm, chiếm 2/3 mức đầu tư trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Do đó, mọi thay đổi từ thị trường khổng lồ và quan trọng này đều sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền trên cả chuỗi cung ứng. Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định, chính sách giảm giá thuốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phần nào góp phần giảm bớt đà tăng giá của các hãng dược phẩm lớn. Nước Mỹ nói riêng và các nước khác sẽ có vài năm để điều chỉnh kế hoạch giảm giá thuốc, hỗ trợ nghiên cứu và sửa đổi các quy định pháp lý cho phù hợp.