Ngành Tài chính đã thực hiện hơn 78.200 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2023

Sáng ngày 19/12/2023, Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thanh tra tài chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dự và chỉ đạo hội nghị.

Đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo bộ

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN) thuộc Bộ Tài chính đã quán triệt, thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Quyết định của Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023. Đồng thời bố trí lực lượng, tổ chức triển khai kịp thời các cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT) đột xuất, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ và ngành Tài chính.

Thứ trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Trong quá trình thực hiện kế hoạch TTKT, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TTKT; tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan; tập trung TTKT có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các vấn đề quản lý của ngành Tài chính; áp dụng nguyên tắc TTKT theo cơ chế quản lý rủi ro.

Thực hiện chế độ giám sát thường xuyên với hoạt động thanh tra thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất để kịp thời nắm bắt và có chỉ đạo đối với các trường hợp có vướng mắc phát sinh; trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch (tăng hoặc giảm) các đơn vị đề xuất, kiến nghị qua Thanh tra Bộ thẩm định xem xét để trình Bộ ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong năm 2023, Thanh tra Tài chính đã chủ động thực hiện tốt công tác TTKT tài chính theo kế hoạch được duyệt; triển khai kịp thời các cuộc TTKT đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ... Nội dung TTKT có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự được dư luận xã hội quan tâm.

Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ đã thực hiện 78.213 cuộc TTKT; tiến hành kiểm tra 748.399 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 107.014 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp 47.029 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 54.529 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 5.456 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN trong kỳ 17.270 tỷ đồng (số liệu cập nhật một số đơn vị đến 15/12/2023).

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Riêng Thanh tra Bộ Tài chính, trong năm 2023 đã triển khai khảo sát, nắm bắt thông tin và thực hiện 30 cuộc thanh tra và 3 cuộc kiểm tra theo kế hoạch; thực hiện 1 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo...

Bên cạnh đó, trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã lưu hành 33 kết luận thanh tra, 4 báo cáo kết quả kiểm tra (bao gồm cả các cuộc TTKT thực hiện cuối năm 2022 chuyển sang). Kết quả kiến nghị xử lý tài chính 22.081 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện nộp vào NSNN 1.840 tỷ đồng.

Tiếp tục chú trọng thực hiện cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra

Về phương hướng, nhiệm vụ TTKT trong năm 2024, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, để nâng cao hơn nữa các cuộc TTKT, trong năm 2024, Thanh tra Bộ và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ Tài chính tiếp tục chủ động xây dựng phương án triển khai, điều chỉnh kế hoạch TTKT phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để, đồng thời có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong ngành Tài chính và với các cơ quan chức năng khác như cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước... phát hiện sớm các trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, quản lý tài sản, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ đã thực hiện 78.213 cuộc TTKT; tiến hành kiểm tra 748.399 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan; kiến nghị xử lý tài chính 107.014 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp 47.029 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 54.529 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 5.456 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp NSNN trong kỳ 17.270 tỷ đồng (số liệu cập nhật một số đơn vị đến 15/12/2023).

Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác TTKT thuế, hải quan và trong toàn ngành; tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng qua đó tăng cường công tác TTKT để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ TTKT ngành Tài chính như: Kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành và hệ thống camera giám sát; nâng cấp ứng dụng phần mềm phân hệ phân tích rủi ro theo Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro…

Xây dựng đội ngũ cán bộ TTKT trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xử lý nghiêm các hành vi thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, cho người dân, doanh nghiệp... Tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng TTKT để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng TTCN thuộc Bộ trong năm qua.

“Trong năm 2023, Thanh tra Tài chính chủ động thực hiện tốt công tác TTKT tài chính theo kế hoạch được duyệt; triển khai kịp thời các cuộc TTKT đột xuất theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ... Nội dung TTKT có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự được dư luận xã hội quan tâm” - Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay ở cấp cơ sở.

Theo đó, để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2024; hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao của Thanh tra Tài chính, Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, công tác TTKT tài chính phải tiếp tục là công cụ đắc lực, giúp tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn lực; kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, đồng thời đề xuất, tham mưu, kiến nghị với - lãnh đạo Bộ nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong hệ thống thanh tra tài chính cần tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phân tích rủi ro, chọn đối tượng và tiến hành TTKT. Tăng cường TTKT nội ngành, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm.

Nâng cao chất lượng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các Đoàn thanh tra, bảo đảm đúng tiến độ và nội dung thanh tra; đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra.

Đồng thời, Thanh tra ngành Tài chính phải nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, giúp Bộ, Ban Cán sự Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Dự báo và giải quyết kịp thời những vụ việc phức tạp, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, đảm bảo đúng quy trình, đúng thẩm quyền./.

Vân Hà