Ngày đầu tiên dạy học trực tuyến ở Hà Nội: Linh hoạt giờ học để tránh nghẽn mạng

Thầy, trò đều nghẽn mạng

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, trong buổi sáng đầu tiên học trực tuyến, hệ thống đường truyền không được ổn định. Học sinh gặp nhiều khó khăn trong khi đăng nhập. Nhiều lớp học đã phải tạm dừng.

Chị Trần Thị Thu Phượng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi có 2 con cùng học online sáng nay qua hệ thống phòng học Zoom. Trong khi lớp con gái học lớp 8 hệ thống khá ổn dù đôi lúc có chập chờn thì ở lớp tiểu học của cháu thứ hai, đường truyền không ổn định. Sau hơn 1 tiếng liên tục bị “out”, cô giáo đành thông báo lớp tạm nghỉ trong buổi sáng đầu tuần để khắc phục sự cố này”.

Nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên phản ánh về tình trạng nghẽn mạng

Chị Phạm Thị Hạnh (Thường Tín, Hà Nội) cho hay con chị đã rất hào hứng với buổi học đầu tiên của năm học mới sau hơn ba tháng nghỉ hè. “Con không ngủ nướng như mọi ngày mà dậy từ sớm, quần áo chỉnh tề, ngồi vào bàn chờ đến giờ học. Nhưng tiết học chỉ vừa bắt đầu con đã bị thoát ra khỏi ứng dụng và phải rất khó khăn mới vào lại được, rồi lại bị thoát ra. Quá ức chế, con đã bật khóc”, chị Hạnh kể.

“Tôi nghĩ có lẽ do buổi đầu của năm học mới, học sinh đều học trực tuyến, cán bộ, công chức, rồi nhân viên các công ty đều đa phần làm việc online nên khó tránh khỏi hệ thống mạng bị nghẽn”, chị Hạnh chia sẻ.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng THCS Cự Khê (huyện Thanh Oai) cho hay: Trường triển khai học Zoom theo từng lớp. Trong buổi sáng đầu tiên của năm học, một số thầy cô phản ánh đến Ban giám hiệu về tình trạng đang dạy và học bị out ra nên phải vào lại. Có em vào lại rồi tiếp tục bị out. “Không biết nguyên nhân là vì sao, có thể do mạng kém, cũng có thể do thiết bị hoặc ở xa tín hiệu mạng bởi có học sinh dùng nhờ mạng hàng xóm” - thầy Tùng cho biết.

Linh hoạt giờ học để khắc phục khó khăn

Ghi nhận chung, các nhà trường đã tổ chức dạy học theo thời khóa biểu đã xây dựng. Hầu hết học sinh đã quen với hình thức học tập trực tuyến nên không bỡ ngỡ. Việc dạy học trực tuyến khiến giáo viên vất vả nhiều hơn, nhất là trong việc xây dựng giáo án và quản lý lớp học để bảo đảm việc học tập của học sinh đạt hiệu quả. Tuy nhiên, tinh thần chung của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều cố gắng khắc phục.

Để khắc phục hiện tượng nghẽn mạng, lỗi đường truyền, các nhà trường, giáo viên đều có sự linh hoạt, chủ động khắc phục. Đối với các tiết học chưa hoàn thành, giáo viên chủ động chuyển thời gian học sang buổi chiều. Nhiều giáo viên có thể thay đổi phương án trong tổ chức dạy học để ứng phó với việc nhiều học sinh có thể gặp khó khăn về đường truyền hoặc thiết bị…

Theo phản ánh của cô Nguyễn Thúy Thanh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) thì tình trạng mạng kém xảy ra từ khi các trường tổ chức khai giảng và hoạt động riêng theo hình thức trực tuyến. Nhà trường tải, phát video thì rất khó; khi chiếu lên thì hình đi trước, tiếng đi sau, cả hình lẫn tiếng đều bị méo, không nét. Sáng 6/9 việc này vẫn tiếp diễn khiến các học sinh out ra khỏi phòng mà việc tương tác, giao lưu, trao đổi giữa cô và trò cũng hạn chế, vì thế chất lượng tiết học không được như mong muốn.

Tại huyện Mê Linh, trong ngày 6/9, 49 trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã tổ chức dạy học trực tuyến đúng kế hoạch. Các lớp học được duy trì thông suốt. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin: Do là buổi học đầu tiên, có thể chưa quen với việc dậy sớm nên có hiện tượng một số học sinh vào lớp muộn. Một số giáo viên cũng phản ánh có hiện tượng mạng kém. Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh tìm hiểu, xác định nguyên nhân do đường truyền hay do thiết bị hoặc có nguyên nhân nào khác để có giải pháp khắc phục.

“Phòng đang cho các bộ phận chuyên môn tổng hợp tất cả những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến ở thời gian đầu năm học. Trong trường hợp cần thiết, phòng sẽ họp với ban giám hiệu của tất cả nhà trường để kịp thời đưa ra phương án khắc phục, quyết tâm tổ chức dạy học hiệu quả, bảo đảm các học sinh đều duy trì được việc học”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Trước những vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay: Ngay ở giai đoạn đầu triển khai học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã trao đổi với các đơn vị viễn thông giữ ổn định đường truyền, tạo điều kiện để học sinh học tập cũng như hướng dẫn các trường trong thực hiện nhiệm vụ dạy - học online.

Để chủ động khắc phục tình trạng nghẽn mạng, các trường nên bố trí khung thời gian hợp lý; sắp xếp thời khóa biểu từng khối lớp theo lịch học sáng - chiều khác nhau để giảm mật độ truy cập vào cùng một thời điểm. Qua nắm tình hình, được biết tình trạng nghẽn mạng đôi khi xảy ra ở ngay đường truyền, tín hiệu của nhà trường và các thầy cô giáo. Vì vậy việc bố trí khung giờ khác nhau sẽ góp phần giảm tình trạng nhiều tài khoản truy cập vào cùng lúc và giữ ổn định truy cập.

N.H