Người dân, nhà đầu tư đang suy tính kỹ khi quyết định vay tín dụng đầu tư vào bất động sản

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 6/2023, tín dụng bất động sản ước tăng khoảng 4,7% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 18%, song tín dụng nhà ở giảm 1,12%.

Trong Hội thảo Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, diễn ra vào chiều 10/10, TS Cấn Văn lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản vẫn có nhiều tiềm lực tăng trưởng và vẫn được lòng các nhà đầu tư. Nhờ đó, tín dụng kinh doanh bất động sản vẫn tăng.

Nhà đầu tư đang suy tính kỹ khi quyết định vay tín dụng đầu tư vào bất động sản. (Ảnh: DM)

Tuy nhiên, tín dụng nhà ở lại giảm, điều này chứng minh rằng, người dân, nhà đầu tư đang suy tính rất kỹ khi đưa ra quyết định vay tiền mua nhà, sửa nhà hay xây nhà.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Lực nói: Kinh tế Việt Nam đang trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, mặc dù lãi vay trong thời gian gần đây có xu hướng giảm, song người dân và các nhà đầu tư vẫn đắn đo rất kỹ trước khi “đổ” tiền vào thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, thời gian tới, xu hướng chần chừ sẽ bị phá vỡ, khi lãi suất có thể giảm sâu hơn. Đặc biệt, nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng trưởng, nhờ đó sẽ tác động tới quyết định đầu tư vào bất động sản. Nhờ đó, thị trường bất động sản sẽ có lực bứt phá.

Ngoài ra, ông Lực cho rằng, để thị trường tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, ngoài yếu tố nền kinh tế phục hồi, thì cần có những giải pháp đồng bộ tháo gỡ các nút thắt đang “bóp nghẹt” thị trường hiện nay, như môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát bất động sản, quy hoạch và kết cấu hạ tầng; tài chính,...

Đặc biệt Việt Nam đang tập trung chính vào pháp lý và tài chính. Trong đó, pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất, xuất phát từ một số nguyên nhân sau: Quy định pháp lý của lĩnh vực đất đai, xây dựng và bất động sản hết sức phúc tạp liên quan đến hơn 100 Luật, Nghị định, Thông tư... trong đó có nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ.

Tiếp đến quy định pháp lý chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn như: quy định giao đất, cho thuê đất trên thực địa, phương pháp xác định giá đất; thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thời gian miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản; thời gian hoạt động dự án đối với dự án giao đất nhiều lần; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất…

Cuối cùng là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy…; làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án.

Trước những thách thức đó, ông Lực kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan như Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật chứng khoán... Theo đó, cần rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật liên quan.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Việt Vũ)

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, trong gần hai năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh.

Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng. Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian vừa qua có sự tác động lớn nhất bởi những vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai, những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết”.

Thực tiễn một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, tâm lý né tránh không muốn làm, cũng như trong phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ.

Theo TS Nguyễn Văn Khôi, thời gian vừa qua, Chính phủ và các Bộ, Ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tác động trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bất động sản.

Ông Khôi tin rằng các chính sách nói trên có thể tháo gỡ được nhiều nút thắt của thị trường bất động sản, tuy nhiên cần có những giải pháp đồng bộ hơn bao gồm quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để tạo thanh khoản và nguồn cung sản phẩm.

Định Trần