Kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững

Theo đó, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế -xã hội được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan…

Kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.

Đạt nhiều kết quả khả quan

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế -xã hội được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả khả quan…

Các khâu đột phá được tập trung chỉ đạo và kinh tế duy trì tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Lạm phát được kiểm soát; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ. Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Thành phố liên tiếp thực hiện năm chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển". An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, các nội dung thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, trọng tâm công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy, hoạt động thiết thực, gắn với cơ sở.

Đặc biệt, kể từ sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TW được ban hành, Thành ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội…

Cụ thể, kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 333.758 tỷ đồng (vượt 7,1% dự toán và tăng 3,0% so với thực hiện năm 2021). Chi ngân sách địa phương 94.021 tỷ đồng (đạt 87,9% dự toán và tăng 11,2%). Tổng thu NSNN trên địa bàn 8 tháng đầu năm thực hiện 282.000 tỷ đồng (đạt 79,9% dự toán và tăng 21,9%). Chi ngân sách địa phương hơn 52.000 tỷ đồng (đạt 49,5% dự toán và tăng 23,3%).

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng từ 47,2% năm 2021 lên 47,8% năm 2022. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, giám sát đầu tư. Ngành dịch vụ được chú trọng phát triển, trong đó tập trung vào số hóa các lĩnh vực dịch vụ, đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển du lịch. Năm 2022, dịch vụ phục hồi mạnh, giá trị gia tăng tăng 10,06%; 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,54%; du lịch phục hồi khá nhanh. Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế 2,03 triệu lượt (tăng 7 lần).

Ngoài ra, TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Năm 2022, đầu tư xã hội thu hút đạt hơn 463.000 tỷ đồng (tăng 13,3%); 6 tháng đầu năm 2023 thu hút hơn 195.000 tỷ đồng (tăng 9%). Năm 2022 có 29,57 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 23%); 7 tháng đầu năm 2023 có 18,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước).

Bên cạnh đó, TP tập trung phát triển văn hóa, giáo dục và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, TP có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025: có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về huyện nông thôn mới nâng cao, đến nay, qua kết quả thẩm định có 4 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì) đủ điều kiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, có 2 huyện (Hoài Đức, Thanh Oai) phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ vượt chỉ tiêu chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là có 5 huyện nông thôn mới nâng cao.

Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô đang xây dựng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển liên vùng. (Ảnh: Nguyễn Minh).

Tập trung thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của TP, tập trung thực hiện quyết liệt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Theo đó, đối với phát triển kinh tế, giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tín dụng của Trung ương trên địa bàn. Tiếp tục các giải pháp tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng và thực hiện Đề án khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Thực hiện hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích.

Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách. Tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Khai thác có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô và phát triển các mô hình kinh tế mới. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng kết nối các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục mở rộng các điểm thu hút du lịch, nâng cao năng lực của các khu, điểm du lịch hiện có. Đổi mới phương thức quản lý và hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm như: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm, khu vực Ba Vì...

Phát triển các mô hình kinh tế ban đêm. Triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề, các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế, các nền tảng mạng xã hội với thông điệp xuyên suốt là "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn".

Phát triển công nghiệp theo định hướng các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng 33 cụm công nghiệp theo quy hoạch và thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập. Phát triển thêm các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP.

Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", "Thành phố vì hòa bình"; thực hiện các cam kết với UNESCO về "Thành phố sáng tạo"; số hóa các điểm đến di tích, di sản văn hóa trên địa bàn TP. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất trường lớp đồng bộ, chuẩn hóa; hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp…

Trần Long