Người Việt mua sắm online nhiều hơn đi siêu thị

Báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam, chỉ ra người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023.

Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để "dạo chợ" mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.

Theo đó, trung bình mỗi người sử dụng 3,2 nền tảng để phục vụ cho việc mua sắm online.

"Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%"- đại diện NielsenIQ nói.

Cũng theo đơn vị này, trong quý I-2024, người tiêu dùng Việt Nam mua trung bình 6,5 loại sản phẩm. Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang - ể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa.....

Người Việt chọn mua thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm nhiều nhất trên các chợ online. Ảnh: HẠ QUYÊN

Đại diện NielsenIQ Việt Nam cho rằng, thói quen này đã được thay đổi, bởi trước đây người dùng chỉ sử dụng thương mại điện tử cho các mặt hàng không thiết yếu như đồ điện tử, gia dụng và thời trang.

Hiện nay, người Việt đã đi chợ mạng thường xuyên hơn, mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Đáng chú ý, nghiên cứu trong quý I-2024 của đơn vị này chỉ ra, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%).

"Những con số trên cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành hoạt động phổ thông, và việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên phổ biến. Chính vì thế, thương mại điện tử cần sớm tìm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay"- NielsenIQ nhận định.

Với góc nhìn cung ứng dịch vụ, ông Huỳnh Hưng, Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) của Việt Nam, cũng cho rằng thị trường thương mại trực tuyến vốn còn nhiều dư địa nhưng các doanh nghiệp SMBs lại chưa tận dụng khai thác triệt để.

Nguyên nhân là do những hạn chế đến từ nguồn lực, công cụ và kỹ năng thực hành chuyển đổi số. Theo ông Hưng, vượt ra những rào cản này là cách để các doanh nghiệp SMBs phát triển trong tương lai.

HẠ QUYÊN