Nguồn cung hàng hóa dịp Tết dồi dào, giá cả ổn định

Siêu thị MM Mega market Thăng Long đã chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết. Ảnh: Phúc Nguyễn

Thương mại tiếp tục trên đà phục hồi

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết, trong tháng 1/2024, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 tăng so với cùng kỳ; nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá.

Thương mại tiếp tục trên đà phục hồi. Trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%, nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%, đưa xuất siêu đạt 2,92 tỷ USD. Xuất khẩu tăng với tốc độ mạnh so với cùng kỳ năm trước nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử và sự tăng trưởng trở lại của xuất khẩu dệt may, máy móc và đồ gỗ.

Về nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết, ông Ngô Quang Trung cho hay, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích phong phú, đa dạng kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hóa ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước do giá đầu vào tăng.

Tại Hà Nội, lượng hàng thiết yếu thực hiện bình ổn thị trường đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 1 tháng. Tại Hồ Chí Minh, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43% trên thị trường. Các DN sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết. Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường và khá dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt nhóm hàng tươi sống, trái cây và rau, củ, quả, giá cả có xu hướng tăng nhẹ so với ngày thường.

Cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ

Qua báo cáo của Bộ và các ý kiến phát biểu của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương ễn Hồng Diên đánh giá cao và ghi nhận, việc cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu trước, trong và sau Tết ở các địa phương trong cả nước khá tốt. Hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại, chất lượng, mẫu mã tốt, giá cả hợp lý…

Song Bộ trưởng cũng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng chất lượng kém và gian lận thương mại; vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, có sự chồng chéo về các quy định, thủ tục hành chính và rào cản thương mại…

Dự báo tình hình của năm 2024 sẽ còn khó khăn thách thức bởi những biến động phức tạp, khó lường của kinh tế, chính trị thế giới. Để đạt được các mục tiêu đề ra, trước hết, ngành công thương các địa phương cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, nhất là Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Công Thương về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Cùng với đó, tập trung cao độ việc rà soát các kiến nghị nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền phải khẩn trương tổng hợp vướng mắc để báo cáo cấp trên chỉ đạo giải quyết nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành công thương theo hướng đẩy mạnh Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; các Quy hoạch ngành, quốc gia nhất là trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản; Quy hoạch ngành địa phương, Quy hoạch vùng nhằm tạo dư địa phát triển mới, chủ động nguồn cung nguyên liệu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các địa phương cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân; hướng dẫn và giúp đỡ DN, người sản xuất khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên. Tập trung chỉ đạo sản xuất và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Cùng với đó, phối hợp làm tốt công tác quản lý thị trường, đấu tranh với hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… và tập trung phát triển thị trường trong nước.

Phúc Nguyễn