Nhà thầu xây dựng nhức nhối vì nợ đọng dai dẳng

Tại "Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới' chiều ngày 12/4, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC) thông tin về điều này.

Theo ông Hiệp, quý I/2024 kinh tế Việt Nam khởi sắc, GDP đạt 5,66% nhưng còn những vướng mắc. Trong đó, ngành xây dựng dường như có nghịch lý là chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp xây dựng cao nhưng doanh nghiệp kêu khó.

Công ty xây dựng than kêu nợ đọng, kinh doanh u ám.

Chủ tịch VACC cho rằng: Công nghiệp xây dựng tăng vì tăng đầu tư công năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng, trong đó có lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật xây dựng dự án đầu tư giảm sút, dự án bất động sản mới không có nhiều. Nhiều công ty làm hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc không có việc làm.

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp xây dựng, trong đó khoảng 93% là doanh nghiệp nhỏ có vốn đăng ký dưới 100 tỷ đồng. Vì vậy, chỉ một số tổng công ty được chỉ định gói thầu cao tốc nên đa phần các công ty xây dựng rất khó khăn.

Đáng lo ngại, ông Hiệp nêu lên tình trạng nợ đọng mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải. Ông Hiệp dẫn chứng báo cáo tài chính từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho thấy: Đến ngày 31/12/2023, khoản phải thu của tập đoàn là 10.669 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản), doanh nghiệp phải trích lập dự phòng 2.476 tỷ đồng nợ khó đòi. Trong khi đó, nợ phải trả của Hòa Bình là 15.156 tỷ đồng (nợ vay là 4.718,3 tỷ đồng).

"Đây là tình trạng mà nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp phải, bỏ tiền ra nhưng không thu về được", ông Hiệp cho biết. Theo đó, Chủ tịch VACC kiến nghị cần có cơ chế bảo vệ nhà thầu.

"Công ty xây dựng kêu nợ đọng kinh khủng, u ám lắm. Công ty không có nợ đọng đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, cần có cuộc cách mạng trong ngành xây dựng, xử lý mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu", ông Hiệp kiến nghị.

Về triển vọng kinh tế 2024, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. “Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen”, ông Phòng nhấn mạnh.

Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Thy Lê