Nhận diện, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với đại hội công đoàn các cấp

Thời gian vừa qua, trên không gian mạng, các diễn đàn, tài khoản cá nhân, hội - nhóm kín và cả công khai trên các nền tảng mạng xã hội đưa những luận điệu sai trái, phản động của những kẻ cơ hội chính trị và các thế lực thù địch phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Nhận diện những "chiêu thức xuyên tạc”

Không khó để nhận diện âm mưu, thủ đoạn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII. Các thế lực thù địch, phản động đã và đang xuyên tạc bản chất, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò của tổ chức công đoàn.

Do đó, phê phán, bác bỏ các luận điệu sai trái đó cùng việc bảo vệ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò của tổ chức công đoàn trên cơ sở khoa học là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Những âm mưu thâm độc của những kẻ cơ hội chính trị và các thế lực thù địch không ngoài mục đích xấu xa là nhằm tách sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam, làm cho đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII mất phương hướng chính trị khi chuẩn bị và tiến hành thảo luận các báo cáo chính trị trình đại hội các cấp cũng như công tác chuẩn bị nhân sự cơ quan lãnh đạo các cấp của công đoàn… Đây là những “chiêu thức” với âm mưu làm cho công đoàn là tổ chức chính trị dần dần xa rời sự lãnh đạo của Đảng, độc lập, thậm chí đối lập với Đảng.

Các “chiêu thức” của các thế lực thù địch, phản động là liên tục tung ra các luận điệu xuyên tạc khi đưa ra các luận điệu: “Công đoàn độc lập” hoặc “Nghiệp đoàn độc lập” nhằm “thay thế” tổ chức công đoàn ở nước ta, “đối lập” với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Công đoàn Việt Nam, gây mất trật tự xã hội và cản trở cuộc sống của người lao động ở nước ta. Vì vậy, bóc trần mưu đồ đó của các thế lực thù địch là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, giúp giai cấp công nhân, người lao động nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, yên tâm lao động, sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống, tin tưởng vào đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước và vai trò của tổ chức công đoàn các cấp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động nói riêng.

Quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức công đoàn

Ban Chấp hành Công đoàn Công ty Apatit khóa XXII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Từ ngày thành lập đến nay, dù đổi tên nhiều lần, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam không thay đổi bản chất giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người... Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng có nghĩa là khẳng định lập trường của Đảng ta là lập trường của giai cấp công nhân - giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến và xu thế phát triển của thời đại. Việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng luôn được Đảng ta khẳng định qua các kỳ đại hội, gần đây nhất là Đại hội XIII, với yêu cầu: “Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”.

Trong tác phẩm “ Đường cách mệnh”, Bác Hồ đã xác định nhiệm vụ của tổ chức Công hội “trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn phải là tổ chức rộng rãi của công nhân, lao động nhưng phải có hệ thống chặt chẽ.

Khánh thành công trình chế tạo 10 máy tuyển 3,26 m3 tại Công ty Apatit Việt Nam - công trình chào mừng 70 năm ngày thành lập Công đoàn tỉnh Lào Cai (15/11/1951 - 15/11/2021).

Chức năng của công đoàn là tập hợp, giáo dục công nhân, lao động tạo thành lực lượng nòng cốt trong đấu tranh giành chính quyền và xây dựng đất nước. Công đoàn có vai trò to lớn trong việc vận động công nhân lao động thi đua sản xuất, tiết kiệm, làm ra nhiều của cải cho đất nước. Công đoàn có nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, văn hóa của công nhân, lao động. Những quan điểm đó của Người được truyền bá trong phong trào công nhân, thông qua hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đặt nền móng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn cách mạng.

Không thể buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng

Đảng lãnh đạo Công đoàn nói chung, lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII là vấn đề có tính nguyên tắc “bất di, bất dịch”. Việc tổ chức và lãnh đạo Công đoàn được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt ra từ rất sớm.

Trong bối cảnh tập trung chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, vừa “kháng chiến, vừa kiến quốc”, nhưng Người rất quan tâm chăm lo cho tổ chức Công đoàn và đề ra nhiệm vụ, quyền lợi cho tổ chức công đoàn hiện nay là: “Công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức vững vàng, có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho chính phủ trong việc xây dựng đất nước”.

Sau Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời đã phải đối mặt với nhiều thế lực giặc ngoại xâm cùng với bọn phản động tay sai tìm cách tiêu diệt chính quyền cách mạng. Công đoàn đã tổ chức, vận động công nhân lao động tham gia bảo vệ chính quyền, xây dựng cơ sở sản xuất, kịp thời chế tạo, sửa chữa vũ khí cung cấp cho các lực lượng vũ trang. Để thống nhất về tổ chức trên phạm vi cả nước, ngày 20/6/1946, tại số nhà 51 Hàng Bồ, Hà Nội, Hội nghị cán bộ Công đoàn toàn quốc đã quyết định đổi tên “Hội Công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn”; thống nhất các tổ chức công đoàn trong cả nước và lấy tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công đoàn các cấp tỉnh Lào Cai luôn quan tâm nâng cao thể chất cho người lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo hoạt động của tổ chức Công đoàn. Người chỉ rõ: “1. Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là đảng của giai cấp vô sản, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân.

2. Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng.

3. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học.

4. Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Người ta thường nói đoàn kết là sức mạnh vô địch, ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân, đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông dân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất.

5. Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân rõ tình hình trong nước và nước ngoài.

6. Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân, lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu, phải dân chủ bàn bạc anh em công nhân, phải kiểm tra, làm mà không kiểm tra không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sữa chữa”.

Tại Hội nghị cán bộ công đoàn ngày 14/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu chỉ rõ nhiệm vụ của công đoàn: “Nhiệm vụ của công nhân và công đoàn hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, công đoàn phải tổ chức, giáo dục, lãnh đạo công nhân tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Đảng và chính phủ đề ra”.

Trong hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc ngày 13/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiệm vụ của công đoàn về công tác tham gia quản lý xí nghiệp, về tổ chức tốt các phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô, làm tốt công tác bảo hộ lao động, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động, Người chỉ rõ: “Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hiểm lao động, phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức. Công đoàn các cấp cần cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc công tác kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ công đoàn cấp trên thường xuyên đi đến cơ sở để giúp họ một cách thiết thực hơn”.

Thấu triệt và vận dụng đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam tập hợp, đoàn kết rộng rãi công nhân, lao động trong cả nước cùng toàn dân đấu tranh xây dựng, bảo vệ chính quyền Nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta có sự phát triển và hoàn thiện tư duy về người lao động và công đoàn: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 20-NQ/TW (2008) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 06-NQ/TW (2016) “Về việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Kết luận số 80-KL/TW (2010) và Thông báo kết luận số 22-TB/TW (2017) của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW về phát triển công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; các văn bản về quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ của Ban Bí thư: Chỉ thị số 22/CT-TW (2008), Kết luận số 96-KL/TW (2014), Chỉ thị số 37-CT/TW (2019); Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”…

Cán bộ Công đoàn Công ty Apatit Việt Nam kiểm tra điều kiện làm việc của người lao động tại nơi sản xuất.

Trong các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn dành cho tổ chức công đoàn vị trí đặc biệt; nhất là khi Việt Nam bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, công đoàn luôn là tổ chức đầu tiên có sự đột phá để bảo vệ người lao động. Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và tuyệt đối trung thành với đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công đoàn Công ty Apatit Việt Nam phối hợp với chuyên môn đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.

Đặc biệt, trước thềm đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13 ngày 17/1/2022 về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, một lần nữa khẳng định không khi nào, chưa bao giờ Đảng ta buông lỏng sự lãnh đạo đối với Công đoàn Việt Nam nói chung, lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 nói riêng.

Lịch sử ra đời, cống hiến, trưởng thành và chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng trong hơn 91 năm qua, Công đoàn Việt Nam luôn chấp hành sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng - đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật “sống còn” đối với sự tồn tại và trưởng thành của công đoàn. Theo đó, hơn bao giờ hết và không thể khác, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII theo tinh thần Chỉ thị số 13 ngày 17/1/2022 của Ban Bí thư không chỉ là vấn đề cấp bách trước mắt, mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Hiện nay, “hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; các mối đe dọa truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta”. Bối cảnh này có tác động đa chiều đến người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam và đang đặt ra những lo ngại về phai nhạt bản sắc và xói mòn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, tạo ra những tiền đề quan trọng để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn hiện hữu. Các thế lực thù địch, phản động vẫn ráo riết tranh thủ mọi thời cơ để đẩy nhanh chiến lược “diễn biến hòa bình”. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, thậm chí ở một số nơi có biểu hiện tinh vi hơn; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn phức tạp. Những điều này tác động tiêu cực đến niềm tin, lý tưởng của người lao động, làm giảm sức hút của tổ chức công đoàn, tổ chức đảng đối với người lao động.

Để nhận diện, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn lần thứ XIII, các cơ quan chức năng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại học Công đoàn, Viện công nhân và công đoàn… tiếp tục nghiên cứu nhận diện đúng, trúng và cung cấp đầy đủ những luận cứ khoa học, sắc bén để phòng, chống hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn đã, đang và sẽ phát sinh để tiếp tục phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII trước, trong và sau đại hội. Hệ thống báo chí, truyền thông của các cấp của công đoàn tăng cường tuyên truyền sâu, rộng, liên tục với tần suất ngày càng tăng Chỉ thị số 13 ngày 17/1/2022 của Ban Bí thư.

Một là: Các cấp ủy đảng nâng cao nhận thức về tính cấp thiết phải quán triệt và thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 13 ngày 17/1/2022 của Ban Bí thư, coi đây là một trong những trọng tâm lãnh đạo với những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; gắn thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13 ngày 17/1/2022 với Nghị quyết số 35 ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Hai là: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chăm lo xây dựng tổ chức công đoàn, phối hợp lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động ở địa phương, đơn vị. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với tổ chức Công đoàn nắm tình hình, kịp thời giải quyết và tháo gỡ những vấn đề bức xúc, cấp thiết của công nhân, viên chức, lao động như việc làm, đời sống, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động... Quan tâm đào tạo cho đội ngũ công nhân, lao động, gắn việc học tập nâng cao trình độ, tay nghề với áp dụng khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong lao động, sản xuất.

Ba là: Các cấp công đoàn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 13 ngày 17/1/2022 về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 bằng những nội dung phong phú, hình thức lôi cuốn và phù hợp để chỉ thị thấm sâu vào cán bộ, đoàn viên, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt và cán bộ công đoàn chuyên trách.

Bốn là: Các tổ chức công đoàn cần thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp về công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội công đoàn các cấp, đồng thời chủ động tham mưu đúng và trúng cho chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng những chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này hiệu quả.

Năm là: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các lực lượng chuyên trách của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban Chỉ đạo 35 trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương chủ động phát hiện, bóc gỡ những bài viết tán phát trên mạng xã hội, internet có nội dung phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII.

Đại hội Công đoàn lần thứ XIII thành công tốt đẹp là cơ sở, là động lực tinh thần to lớn để tổ chức công đoàn thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 13 ngày 17/1/2022 của Ban Bí thư, tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đó là một trong những cách đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với sự kiện trọng đại của tổ chức Công đoàn Việt Nam năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phạm Duy Hưng

(Chi nhánh Khai thác 1, Công ty Apatit Việt Nam)