'Phủ sóng' vắc-xin cộng với ý chí quyết tâm đồng lòng là chìa khóa vượt qua dịch COVID-19

Đây cũng là ý kiến đánh giá của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Dragon Holdings. Theo ông, ý chí vươn lên của người Việt sẽ là vắc-xin để giúp Việt Nam vượt qua dịch bệnh COVID-19 và phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị độc lập của Dragon Holdings (Ảnh: PV)

Nhìn nhận về đợt dịch lần thứ 4 này, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, Việt Nam đã hành động rất kịp thời để ứng phó với dịch bệnh, nhờ vào kinh nghiệm chống dịch tích lũy từ 2020 và tiếp cận học hỏi của những quốc gia cũng trải qua và thành công trong việc kiểm soát đại dịch. “Muốn chống dịch hiệu quả, chúng ta cần phải phát triển kinh tế để lấy đó làm nguồn lực đối phó lâu dài, và ngược lại, muốn phát triển kinh tế thì cần phải kiểm soát được dịch bệnh”. Do đó, việc thực hiện thành công “mục tiêu kép” như chính phủ đã đề ra là cực kỳ quan trọng.

Ngay từ đầu năm 2021, Việt Nam đã có chủ trương rất đúng đắn để phù hợp với điều kiện bình thường mới, không còn thực hiện giãn cách toàn phần như đầu năm 2020 mà có chiến lược khoanh vùng dập dịch theo địa bàn để đảm bảo “mục tiêu kép”. “Chúng ta đã nhận ra rằng việc phòng chống dịch không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Trong 6 tháng đầu năm, GDP vẫn tăng trưởng tốt, đạt mức 5.64%. Nếu như so sánh với cùng kỳ những năm không có dịch, đây là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm trước; tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, 5.64% là một con số tích cực và rất đáng ghi nhận” – chuyên gia Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong làn sóng COVID lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng GDP vẫn chưa nói lên nhiều ý nghĩa. Giãn cách trên diện rộng, quy mô lớn, thời gian dài lại tập trung ở các “đầu tàu kinh tế” và các khu công nghiệp đã gây áp lực lên chuỗi sản xuất như: tiếp vận, lực lượng lao động và các chi phí sản xuất khác, khiến các chi phí đầu vào sản xuất đội lên cao. Các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ chính sách “3 tại chỗ” của chính phủ để được tiếp tục hoạt động và hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ để đảm bảo duy trì sản xuất. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thử thách vô cùng lớn trong làn sóng COVID lần này.

Trong thời điểm hiện tại, Việt Nam muốn tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra thì cần phải duy trì được tổng cầu bằng cách duy trì hệ thống việc làm và kế sinh nhai cho người dân. Để làm được điều này, chúng ta cần phải đạt được “mục tiêu kép” như chính phủ đề ra, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

Điểm sáng trong khó khăn chung

Nửa đầu năm 2021, mặc dù phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế Việt Nam cũng đã gặt hái được một số thành tựu nhất định. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong 7 tháng đầu năm , tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5 % so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm tăng 6.8% so với cùng kỳ, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh cũng tiếp tục tăng bất chấp dịch bệnh đe dọa. Vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán cũng được xin tăng thêm quy mô. Bên cạnh đó, nền kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định và bền vững với tỉ lệ lạm phát thấp, tỷ giá hối đoái và lãi suất được duy trì ở mức ổn định. Dòng vốn tín dụng vẫn đáp ứng dồi dào cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Thị trường chứng khoán vẫn có tính thanh khoản cao qua các phiên giao dịch.

Ngoài ra, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần lạc quan tin tưởng vào sự điều hành của chính phủ dưới dự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Đảng về công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đạt hiệu quả và có lợi nhuận. Trong quý I, các công ty niêm yết có lợi nhuận ròng tăng trưởng hơn 80% so với cùng kỳ. Quý II lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có giảm hơn do ảnh hưởng bởi tác động của COVID nặng hơn từ đầu tháng 6.

Có thể nói, tính đến thời điểm kết thúc quý II, kinh tế Việt Nam đã được kết quả tương đối tốt. Thành quả này đạt được là nhờ Việt Nam đang bước vào chu kỳ điểm rơi của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đất nước trong suốt 5 năm qua thực hiện, như là các chính sách đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và đặc biệt quan trọng là chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Chuyên gia Cao Sỹ Kiêm nhận định, hầu hết giới quan sát trên thế giới cũng đánh giá khá tốt nỗ lực chống dịch của chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, khi dịch đang có nguy cơ bùng phát trở lại, chúng ta còn đang trong quá trình ổn định bộ máy chính quyền sau khi tổ chức thành công Đại hội XIII. Tất cả trọng trách lớn lao, bao gồm tổ chức bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp 2021-2026, vừa phòng chống dịch bệnh vừa ổn định và công bố danh sách các thành viên chính phủ nhiệm kỳ mới được thực hiện chỉ trong vỏn vẹn 20 ngày. Mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Việt Nam vẫn đang nỗ lực để kiểm soát tình hình và duy trì phát triển kinh tế.

Tiếp đến phải kể đến sự thành lập của Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19, từng bước phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử cho 75 triệu nhân dân Việt Nam, nhập khẩu 19 triệu liều vắc-xin và tiêm chủng thành công cho hơn 11 triệu người. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang từng bước làm chủ công nghệ bào chế vắc-xin. Dự kiến trong tháng 9, chúng ta sẽ có vắc-xin tự sản xuất trong nước, đồng thời chúng ta cũng đang nhận chuyển giao một số công nghệ vắc-xin từ nước ngoài như vắc xin ARCT-154 của Hoa Kỳ, vắc xin Shionogi của Nhật Bản và vắc xin Sputnik V của Nga.

Cần thống nhất quyết tâm, chung sức đồng lòng hơn nữa của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: HNV)

Có thể nói, sự đồng lòng của toàn dân tộc, từ quần chúng nhân dân cho đến cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể hệ thống chính trị từ Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã hết lòng tin tưởng và ủng hộ cho đất nước để chống dịch, tạm thời hi sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo lợi ích dài hạn giống như “đặc biệt chiến lược thế trận quốc phòng toàn dân” trong lịch sử mà Việt Nam từng nhiều lần chiến thắng giặc ngoại xâm. Tinh thần đó lại một lần nữa được thể hiện trong thời kỳ mới của dân tộc ta trong công tác phòng chống dịch bệnh, theo chủ trương “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi khu phố là một pháo đài”. Ngay cả Quỹ vắc-xin là sự đồng lòng của toàn thể dân tộc theo truyền thống tương thân tương ái của ‘hũ gạo tiết kiệm hay hũ gạo kháng chiến’, hậu phương ủng hộ tiền tuyến để thực hiện giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Vẫn tinh thần “10 ngày nhịn ăn 1 bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa”, trong thời kỳ mới, dân tộc ta vẫn phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách. Trong điều kiện dịch bệnh hoành hành tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, từng đoàn lương thực thực phẩm và đội ngũ y bác sỹ vẫn được đưa vào để chi viện cho miền Nam ruột thịt.

Quyết tâm đồng lòng hơn trong cách thức chống dịch

Hiện nay, trước diễn biến mới của dịch bệnh, chúng ta đã nhận thức lại từ việc “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang ổn định, lâu dài và sống chung với dịch bệnh. “Việc chống dịch không thể kết thúc trong một sớm một chiều mà đây là công cuộc trường kỳ kháng chiến” do virus liên tục biến thể với các biến chủng mới. Thiết nghĩ, để tiếp tục chống dịch thành công và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, cần phải đảm bảo một số nhân tố sau:

Thứ nhất, duy trì đạt được sự đồng lòng của toàn dân tộc từ quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể hệ thống chính trị, tất cả cùng chia sẻ khó khăn để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đơn cử như, trong làn sóng thứ 4 này, toàn dân đã hưởng ứng lời hiệu triệu của Tổng Bí thư và ủng hộ chính phủ chống dịch, thể hiện qua hình ảnh xúc động toàn thể nhân dân ủng hộ chiến lược chống dịch của Đảng và Chính phủ, hình ảnh từ lãnh đạo trung ương có mặt ở mọi điểm nóng, cho đến các chủ tịch phường xã và các cấp có mặt ở các chốt kiểm dịch để bảo vệ vùng xanh đã chạm vào trái tim của người dân. Vì thế, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tinh thần đồng lòng này để cùng nhau vượt qua đại dịch. Đặc biệt, chúng ta cần phát huy tinh thần doanh nhân dân tộc và nhà tư bản dân tộc. Hiện tại, kinh tế Việt Nam đã hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Do vậy, cùng với tinh thần đồng lòng toàn dân, tinh thần doanh nhân dân tộc được phát huy hơn nữa. các tập đoàn lớn sẽ là trụ đỡ dẫn dắt thúc đẩy kinh tế phát triển trong điều kiện khó khăn của đại dịch COVID.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế đang thực hiện từ 2016 cho đến nay, đồng thời tranh thủ trong giai đoạn bình thường mới hậu COVID 19 thực hiện chuyển đổi sâu rộng sang mô hình nền kinh tế số.

Thứ ba, nâng cao nguồn lực của quỹ vắc xin để tiếp cận được nhiều nguồn nhập khẩu trên thế giới, đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ và bằng mọi giá phải có được nguồn vắc-xin sản xuất trong nước để ứng phó diễn biến phức tạp trước biến thể mới của dịch bệnh COVID./.

HNV (lược ghi)