Nhận diện và lật mặt thật những tiếng kêu lạc lõng, sai trái đội lốt bảo vệ quyền con người ở Việt Nam (5): Việt Nam luôn cởi mở, thẳng thắn đối thoại về nhân quyền

Không né tránh những vấn đề nhạy cảm

Trong các nỗ lực quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế, khu vực, đa phương và song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó, có việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Về song phương, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác và đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ nâng cao năng lực để thực hiện tốt hơn việc đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam và các nước liên quan.

Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc

Đến nay, Việt Nam đã hai lần được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu rất cao. Hội đồng Nhân quyền trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc, được thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của trong hệ thống Liên hợp quốc. Với 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Việc hai lần làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ 2014-2016 và hiện nay là 2023-2025) đã khẳng định vị thế Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của thế giới đối với Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo quyền con người cũng như đối thoại bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Việt Nam trong nhiệm kỳ được đánh giá rất thành công trước đây và nhiệm kỳ hiện nay đã có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trên những vấn đề còn khác biệt, trong đó có các vấn đề về quyền sức khỏe sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…

Việt Nam cũng đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; gắn với việc phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước.

Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), kể từ khi ra đời năm 2008 đến nay, được đánh giá là một trong những cơ chế thành công nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, giúp tăng cường năng lực cho các quốc gia trong thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên cơ sở nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng. Trong suốt quá trình tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, với tỷ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới hơn 83% tại chu kỳ III, cao hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác. Đầu năm 2022, Việt Nam đã nộp Báo cáo giữa kỳ tự nguyện lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và trở thành một trong 39 nước nộp báo cáo này.

Ngoài đối thoại với tất cả các thành viên Liên hợp quốc trong khuôn khổ UPR, Việt Nam cũng đã tiến hành những Vòng Đối thoại hoặc tham vấn song phương với một số đối tác có quan tâm về quyền con người. Việt Nam đã tiến hành đối thoại với các đối tác như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Na Uy, Austrlia trên tinh thần xây dựng, cởi mở và thẳng thắn. Cùng với đó, Việt Nam cũng luôn sẵn sàng đối thoại với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào về việc bảo đảm quyền con người, không né tránh vấn đề này, kể cả những vấn đề thuộc lĩnh vực nhạy cảm; qua đó góp phần giúp Việt Nam và các nước hiểu hơn về những quan tâm, kể cả khác biệt, chia sẻ những ưu tiên, kinh nghiệm và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Không để một ai bị bỏ lại phía sau

Việt Nam luôn chia sẻ quan điểm quyền con người là giá trị phổ quát và tất cả người dân các quốc gia đều mong muốn quyền của mình được bảo đảm. Quyền con người có được như ngày nay cũng chính là thành quả đấu tranh của các dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết là quyền được nêu lên đầu tiên trong hầu hết tất cả các điều ước quốc tế. Với Việt Nam, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mà trước hết là quyền dân tộc tự quyết - quyền được ghi nhận hàng đầu, ngay tại Điều 1 của Công ước về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) cũng là mục tiêu và thành quả của quá trình đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là cam kết xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Đặc biệt, với công cuộc Đổi mới toàn diện mà Việt Nam tiến hành liên tục trong những thập kỷ qua, con người - nhân dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách, hành động. Dù còn nhiều khó khăn thách thức khách quan, và cả chủ quan, nhưng nhìn chung, công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 có riêng một chương gồm 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ đó đến nay, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong đó có một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trưng cầu ý dân 2015, Luật Trẻ em 2016, Luật Trợ giúp pháp lý 2017, Luật An ninh mạng 2018… Bộ luật Lao động (sửa đổi) thông qua cuối năm 2019 với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Bên cạnh đó, việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam hiện là thành viên của 7/9 công ước quốc tế quan trọng về quyền con người; trong đó, có Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước chống tra tấn. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai các biện pháp đồng bộ, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Các thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội và việc tăng cường hội nhập quốc tế đã tạo ra điều kiện vật chất và nguồn lực để Việt Nam đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân. Việt Nam đến nay đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19 và bất ổn kinh tế thế giới, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số. Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực và thế giới về phụ nữ tham chính với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%. Dù đang là nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong nhóm các nước có Chỉ số Phát triển Con người (HDI) cao, tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam luôn thúc đẩy việc bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân Việt Nam, không để một ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời, đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.