Nhiều công ty chứng khoán rục rịch báo lãi quý I tăng bằng lần: Triển vọng lợi nhuận 2024 đầy hứa hẹn?

CTCK đặt kế hoạch kinh doanh 2024: Mục tiêu lãi khủng đan xen dự báo thụt lùi

Vào mùa ĐHĐCĐ, kế hoạch kinh doanh năm 2024 của các CTCK đã lộ diện với những sắc màu trái ngược. Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu thận trọng với dự báo năm 2024 kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường. Bên cạnh đó, cũng không ít công ty tự tin với kế hoạch tăng trưởng kỷ lục.

Tại ĐHĐCĐ gần đây, dù dự báo thị trường chứng khoán (TTCK) có cơ hội tăng trưởng tích cực nhờ đà hồi phục của nền kinh tế, môi trường lãi suất thấp cũng như triển vọng nâng hạng thị trường và hệ thống KRX đi vào vận hành; ban lãnh đạo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã chứng khoán: VDS) vẫn lưu ý còn nhiều rủi ro ngắn hạn như các bất cập nội tại của nền kinh tế Việt Nam cũng như biến động khó lường của kinh tế thế giới.

VDSC tỏ ra thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 2024 tăng 18,3% lên 983 tỷ đồng nhưng kế hoạch lãi sau thuế chỉ 288 tỷ đồng, tức giảm 13% so với mức thực hiện năm 2023. Kế hoạch này dựa trên dự phóng chỉ số VN-Index năm nay dao động trong khoảng 1.080 đến 1.380 điểm, thanh khoản bình quân từ 18.000 đến 20.000 tỷ đồng/phiên.

Tại ĐHĐCĐ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kế hoạch kinh doanh được thông qua với tổng doanh thu mục tiêu 877 tỷ đồng, lãi sau thuế 181 tỷ đồng, lần lượt giảm khoảng 6,3% và 7,7% so với mức thực hiện năm 2023. Kế hoạch này dựa trên dự báo chỉ số VN-Index bình quân 1.300 – 1.350 điểm, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.600 tỷ đồng/phiên.

Chủ tịch HĐQT BVSC, ông Nguyễn Hồng Tuấn nhận định năm 2024, TTCK Việt Nam có thể đối mặt với một số thách thức như các nền kinh tế lớn môi trường lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng do rủi ro lạm phát vòng 2; cơ hội đầu tư ở các lĩnh vực khác hút bớt dòng tiền khỏi kênh cổ phiếu; TPDN tiếp tục là vấn đề nóng trước áp lực khối lượng đáo hạn lớn, vấn đề trên thị trường BĐS… Dù vậy, thị trường vẫn có một số yếu tố hỗ trợ tích cực như mặt bằng lãi suất thấp và tín dụng dồi dào, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng nhanh hơn năm ngoái, dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng sẽ tham gia mạnh mẽ thông qua các quỹ ETF trước các thông tin về nâng hạng thị trường…

Chung góc nhìn thận trọng, ban lãnh đạo Chứng khoán FPT (FPTS) tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 cũng đưa ra mục tiêu doanh thu 845 tỷ đồng, giảm 8,29% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, giảm 17,65%.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, một số CTCK tiếp tục đưa ra mục tiêu kinh doanh sáng sủa hơn cho năm 2024 dựa trên những kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, mặt bằng lãi suất thấp cũng như nhận định rằng định giá doanh nghiệp đã rơi vào vùng hấp dẫn trong dài hạn.

Chứng khoán BIDV (BSC, mã: BSI) năm nay đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 550 tỷ đồng, tức tăng 8% so với kết quả thực hiện năm 2023. Dù kế hoạch kinh doanh lạc quan, Tổng giám đốc BSC Nguyễn Duy Viễn vẫn lưu ý rằng năm 2024, tình hình TTCK nhiều khả năng sẽ chịu tác động từ một số rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới và ảnh hưởng tiêu cực của nó lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, dựa nhiều vào xuất nhập khẩu.

Lạc quan hơn, Chứng khoán Vietcap (mã: VCI) đặt kế hoạch doanh thu 2.511 tỷ đồng và lãi trước thuế 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 23% so với thực hiện năm 2023. Mục tiêu này dựa trên cơ sở dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động quanh 1.300 điểm vào cuối năm 2024.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã: ) trong báo cáo thường niên năm 2023 cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 1.844 tỷ đồng, tăng gần 26% so với thực hiện năm 2023 và lợi nhuận trước thuế 1.035 tỷ đồng, tăng 51%. Kế hoạch dựa trên dự báo chỉ số VN-Index kết năm trong khoảng 1.250 - 1.300 điểm, tương ứng mức tăng 10,6% - 15,5% so với 2023, thanh khoản thị trường dự báo tăng 20%.

ĐHĐCĐ Chứng khoán MB (MBS) năm nay cũng thông qua kế hoạch doanh thu 2.786 tỷ đồng, tăng 52,6% so với thực hiện năm 2023 và lợi nhuận trước thuế 930 tỷ đồng, tăng 29,9%.

Dù chưa tổ chức ĐHĐCĐ nhưng theo Nghị quyết của HĐQT, Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã: ) cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu 3.182 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.450 tỷ đồng, lần lượt tăng 41% và 72% so với mức thực hiện năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận mục tiêu kỷ lục, vượt qua cả mức thực hiện của HSC năm 2021.

Chứng khoán dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2024 với doanh thu hợp nhất đạt 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.398 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% so với mức lợi nhuận thực hiện năm trước (2.849 tỷ đồng). Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của Chứng khoán SSI.

Trong khi một số công ty chứng khoán đặt mục tiêu kinh doanh 2024 thận trọng, số khác lại đưa ra những kế hoạch tự tin trên cơ sở những dự báo tích cực về thị trường (Ảnh: Vietstock)

Kết quả kinh doanh quý I nhiều tín hiệu sáng

Dù thận trọng khi đặt mục tiêu kinh doanh cả năm, kết quả doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán thể hiện trên báo cáo tài chính quý I đang cho thấy tín hiệu lạc quan. Đáng chú ý nhiều công ty đã hoàn thành hơn 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau quý đầu tiên của năm.

Nằm trong top thị phần dẫn đầu thị trường, Chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính riêng quý I với doanh thu hoạt động giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.385 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng 334% đạt 767 tỷ đồng, chủ yếu do sự cải thiện của hoạt động tự doanh và sự giảm mạnh của chi phí hoạt động, chi phí tài chính.

Báo cáo tài chính riêng mà Chứng khoán SSI vừa công bố cho thấy tổng doanh thu quý I/2024 đạt 1.945 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 53%, đạt 900 tỷ đồng và là khoản lãi cao nhất trong khoảng 8 quý gần nhất của doanh nghiệp này.

Cũng theo SSI, ước tính doanh thu hợp nhất quý I đạt 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 945 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 25% và 28% kế hoạch 2024 dự kiến trình ĐHĐCĐ.

Tại Chứng khoán HSC, doanh thu hoạt động quý I ghi nhận tăng 37% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 863 tỷ đồng. Trừ chi phí, HSC báo lãi trước thuế gần 346 tỷ đồng, tăng 124%, qua đó hoàn thành khoảng 24% mục tiêu lợi nhuận năm.

Chứng khoán Vietcap cho biết doanh thu quý I đạt 806 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng tương đương mức tăng 62% so với cùng kỳ nhờ các khoản mục Lãi từ bán các tài sản tài chính (FVTPL) tăng gấp đôi đạt 338 tỷ, Hoạt động cho vay đóng góp hơn 180 tỷ và hoạt động môi giới cũng góp hơn 180 tỷ. Lợi nhuận trước thuế do đó đạt gần 228 tỷ, tăng 181%; hoàn thành gần 33% mục tiêu lãi cả năm.

Chứng khoán BIDV báo doanh thu hoạt động quý I là 352 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2023. Khấu trừ chi phí, công ty chứng khoán này ghi nhận lãi trước thuế gần 172 tỷ đồng, tăng 41% và hoàn thành khoảng 31% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chứng khoán SHS dù ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 17% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 565 tỷ đồng trong quý I do mức giảm mạnh của khoản mục lãi từ tài sản FVTPL; tuy nhiên lãi trước thuế vẫn tăng gần 9 lần so với cùng kỳ, đạt khoảng 444 tỷ đồng nhờ tối ưu chi phí hoạt động. Như vậy hết quý I, SHS đã hoàn thành gần 43% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Chứng khoán FPT trong báo cáo tài chính quý I cũng ghi nhận doanh thu hoạt động 299 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng tăng 93% lên 191 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Chỉ trong quý I, đã hoàn thành hơn 45% mục tiêu lợi nhuận năm.

Cũng đạt kết quả kinh doanh quý I hết sức khả quan là Chứng khoán Vietinbank với doanh thu hoạt động tăng 63% lên gần 324 tỷ đồng (trong đó lãi từ tài sản FVTPL tăng 88% lên 165 tỷ đồng; Lãi từ cho vay và phải thu tăng 72% lên hơn 79 tỷ). Kết quả, công ty báo lãi trước thuế 124 tỷ đồng, tăng gần 10 lần mức lãi chỉ 13 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 44% kế hoạch lãi cả năm.

Nhìn chung, theo thống kê của người viết, tính đến sáng 24/4, đa số các CTCK đã công bố báo cáo tài chính quý I đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, với 10 công ty báo lợi nhuận tăng trưởng 3 chữ số. Nhóm báo lợi nhuận giảm hoặc lợi nhuận âm chủ yếu là nhóm các CTCK nhỏ.

Kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán (cập nhật đến sáng 24/4). Diên Vỹ tổng hợp

Triển vọng lợi nhuận cải thiện trong năm nay

Trong báo cáo ngành mới đây, các chuyên gia VIS Rating cho rằng trong 2024, triển vọng của các CTCK tiếp tục được cải thiện nhờ một số yếu tố như lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư tăng trưởng trong điều kiện thị trường thuận lợi và chất lượng tài sản ổn định hơn nhờ tỷ lệ chậm trả gốc, lãi trái phiếu giảm dần.

Cụ thể, VIS Rating kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tài sản trung bình của doanh nghiệp (ROAA) sẽ cải thiện 50-70 điểm cơ bản so với 2023, lên mức 4,8%-5% năm 2024 nhờ tăng trưởng lợi nhuận đầu tư công cụ có thu nhập cố định và cho vay ký quỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động môi giới có thể bị hạn chế bởi sự cạnh tranh gay gắt về phí, đặc biệt đối với các CTCK nước ngoài do biên lợi nhuận thấp hơn. Cùng với đó, chất lượng tài sản sẽ dần ổn định khi tốc độ trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc/lãi phát sinh mới chậm lại.