Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi di dời nhà máy

Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang chuẩn bị được di dời. Ảnh: Văn Gia

Cùng với KCN Biên Hòa 1, tại Đồng Nai còn có nhiều DN, nhà máy đang sản xuất, kinh doanh tại các địa điểm không phù hợp quy hoạch cũng phải sắp xếp để di dời.

Gặp khó khi di dời

Tại Hội nghị Gặp gỡ DN và hợp tác xã do UBND tỉnh tổ chức ngày 28-3-2024, đại diện Nhà máy Hóa chất Biên Hòa (KCN Biên Hòa 1) cho hay, sau khi nắm bắt được chủ trương của tỉnh, từ năm 2018, đơn vị đã tiến hành thuê đất tại một KCN ở huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, do đặc thù nhà máy sản xuất hóa chất nên chỉ có khoảng 30% sản phẩm tận dụng di dời được. Khi đến địa điểm mới phải đầu tư xây dựng mới hoàn toàn với công suất gấp đôi, trong khi nhu cầu thị trường hiện không đổi, điều này sẽ trở nên hao phí.

Bên cạnh đó, sau khi đã thuê được địa điểm mới, DN còn phải xây dựng một bộ máy làm việc mới khiến nhân sự tăng lên, sau đó mới tiến hành di dời và hợp nhất. DN còn gặp khó khăn về vấn đề lao động khi nhiều lao động đã lớn tuổi, an cư ở thành phố Biên Hòa nên khó theo DN đến nơi làm mới. Nếu không đưa được lao động theo, DN phải tuyển và đào tạo lại nhân lực mới, mất nhiều thời gian và chi phí.

Theo các DN, để di dời một DN vào trong khu, cụm công nghiệp cần ít nhất 5 năm mới có thể hoàn thành và ổn định được sản xuất.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng Phan Văn Tứ cho hay, DN có nhà máy cơ khí, chế tạo trong KCN Biên Hòa 1. Là DN nhỏ, nguồn lực có hạn nên DN hy vọng tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để di dời nhà xưởng thuận lợi. Hiện tại, nguồn tài chính để duy trì sản xuất, kinh doanh đang thiếu hụt, DN vẫn chưa đủ tiềm lực để sớm di dời nhà máy ra khỏi KCN nếu không được hỗ trợ.

Từ những khó khăn nêu trên, các DN mong muốn tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể để DN biết, có lộ trình thực hiện phù hợp.

Tính toán các điều kiện thuận lợi cho DN

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ, KCN Biên Hòa 1 đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử, chuyển sang trang mới để phát triển đô thị thương mại, dịch vụ. Đồng Nai đã phê duyệt đề án và giao các sở, ngành liên quan xây dựng khung chính sách và cơ chế đi theo. Các chính sách cơ chế liên quan này cần phải nghiên cứu kỹ, thậm chí xin ý kiến bộ, ngành trung ương để có thể triển khai thuận lợi.

Không chỉ các DN nằm trong KCN Biên Hòa 1 phải di dời, mà trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động tại các vị trí không phù hợp quy hoạch tỉnh, dù sớm hay muộn cũng phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp.

Đơn cử như với ngành chăn nuôi, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, tỉnh đang hạn chế thu hút chăn nuôi và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Theo quy định thì có hơn 3 ngàn trang trại phải ngừng nên rất khó khăn cho các chủ trang trại trong việc tìm nơi mới để tiếp tục phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, các trang trại chưa thể di dời được ngay, vì việc xây dựng trang trại mới không dễ dàng, đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn để mua, thuê đất và thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng trang trại.

Tương tự, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai ễn Duy Hưng nêu lên bất cập hiện nay là muốn di dời thì tỉnh phải thành lập các cụm công nghiệp mới, có đất sạch, có cơ sở hạ tầng để DN di dời thuận lợi và nhanh chóng. Các cụm công nghiệp phải nằm ở những vị trí thuận lợi, phù hợp với ngành nghề để DN tận dụng nguồn lao động và phù hợp điều kiện sản xuất. Các yếu tố nói trên tại Đồng Nai vẫn chưa sẵn sàng, rất ít DN trong tổng số hàng chục ngàn DN trên địa bàn tỉnh hiện đã có nhà máy trong khu, cụm công nghiệp.

“Việc phát triển hạ tầng cụm công nghiệp để phục vụ di dời DN nhỏ và vừa có thể nói đang rất chậm. Do đó, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi hơn về mặt bằng sản xuất trong tương lai để DN có thể di dời theo lộ trình hợp lý” - ông Hưng cho hay.

Văn Gia