Những đóa hoa tình nguyện cho đời

Đó là chia sẻ của chị Vũ Thị Mộng Tuyền, cán bộ y tế trường Mầm non Hoa Quỳnh, quận Gò Vấp.

Nếu như ai cũng lưỡng lự thì ai sẽ cứu giúp các bệnh nhân?

Nhớ lại thời điểm mấy tháng trước khi nhận được thông báo của Phòng Giáo dục Quận Gò Vấp kêu gọi cán bộ, nhân viên trong các trường học trên địa bàn hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, chị Tuyền đã nhanh chóng sắp xếp công việc gia đình để đăng ký tham gia. Do có chuyên môn về y tế nên chị đăng ký tham gia vào hỗ trợ đội ngũ các y, bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân F0 đang cách ly trong bệnh viện dã chiến tại trường Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp). Đây là công việc không phải ai cũng dám lựa chọn bởi hàng ngày đều tiếp xúc với bệnh nhân F0 như thế thì khả năng bị lây nhiễm rất cao. Trong khi đó hồi tháng 7/2021, dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung và quận Gò Vấp nói riêng đang rất căng thẳng và tâm lý mọi người ai cũng hoang mang. Thế nhưng, người phụ nữ ấy đã không hề chần chừ, do dự mà nhanh chóng sắp xếp chuyện gia đình, tạm rời xa con thơ, cha mẹ già, chuẩn bị hành lý và xung phong lên đường.

Ngoài việc hỗ trợ việc theo dõi và điều trị, chị Tuyền còn giúp chăm sóc các bệnh nhân F0.

“Tôi cảm thấy rất tự hào, rất hạnh phúc vì mình được chung tay, góp sức trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên chính quê hương thân yêu này. Cũng như các bác sĩ, y tá khác, nếu như ai cũng lưỡng lự và từ chối thì ai sẽ là người cứu giúp các bệnh nhân? Bản thân những người bệnh vào đó cách ly, điều trị đều không có gia đình đi theo. Tôi nghĩ, họ sẽ rất cần sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ, chăm sóc và mình sẽ là người thay cho người thân của họ giúp họ thoải mái, yên tâm, có thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn, mau chóng hồi phục để sớm trở về bên gia đình”, chị Tuyền tâm sự.

Công việc thường ngày của chị là nhập tên bệnh nhân lên phần mềm để tiện theo dõi và điều trị; lập danh sách và các thông tin liên quan đến người được lấy mẫu, ghi mã số trên ống mẫu. Ngoài ra chị còn hỗ trợ nhân viên y tế trong đội làm test PCR và test nhanh tại chỗ cho những đối tượng đang thực hiện cách ly tại khu cách ly theo định kỳ từ 7-14 ngày. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không cẩn trọng sẽ dễ xảy ra sai sót, sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Giữa thời tiết nắng nóng, trong trang phục bảo hộ kín mít, giữa trưa, chị còn hỗ trợ các bạn tình nguyện viên khác vận chuyển nhu yếu phẩm và phát từng phần cơm tới tay bệnh nhân.

“Khi tham gia công việc, tôi trải qua nhiều cảm giác khác nhau, có lúc lo lắng, có lúc hồi hộp nhưng cũng có lúc thấy rất hạnh phúc, tự hào về công việc mình đang làm. Tôi may mắn luôn được gia đình là hậu phương vững chắc, luôn động viên, ủng hộ việc đang làm nên cũng toàn tâm toàn ý cho công việc và vững tin hơn”, chị Tuyền nói.

Chị tâm sự, mặc dù công việc bận rộn, dù khó khăn, vất vả nhưng khi nhìn những ánh mắt mong mỏi, trông chờ, hy vọng của bệnh nhân F0 là chị lại quên hết cảm giác vất vả, lo lắng. “Chỉ cần một bệnh nhân nở nụ cười dù chỉ là thoáng qua nhưng đó như là liều thuốc vô cùng quý giá giúp tôi xóa tan mệt mỏi trong công việc”, chị nở nụ cười khi nhớ lại những ngày tháng ý nghĩa đó.

Bên cạnh công tác chuyên môn, hàng ngày chị còn cùng các tình nguyện viên khác phát cơm cho bệnh nhân, vận chuyển bình oxy và dọn dẹp vệ sinh xung quanh bệnh viện dã chiến.

Dù hết sức cẩn thận, tuân thủ đúng các quy định phòng bệnh, nhưng hàng ngày do tiếp xúc thường xuyên với các bệnh nhân, nên một tháng sau khi làm nhiệm vụ tại đây chị cũng trở thành F0. Chị Tuyền nói: “Dù trước khi vào đây, tôi đã xác định sẽ có ngày bị nhiễm nhưng lúc đầu mới nhiễm bệnh, do quá đau đầu và mệt mỏi chưa từng thấy, nên tôi cũng lo lắng. Nhưng sau một ngày nằm bẹp, tôi tự trấn an mình, phải dậy vận động, phải cố gắng vì còn cha, mẹ già, 2 đứa con thơ và còn đàn con ở ngôi trường thân yêu. Bên cạnh đó, tôi luôn nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sỹ tại đây, gia đình, người thân và đồng nghiệp thường xuyên hỏi thăm, động viên. Đó là những động lực rất to lớn đối với tôi”.

Dù đang là bệnh nhân, nhưng hàng ngày, chị vẫn duy trì công việc như lúc chưa bị bệnh, tiếp tục cùng các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Việc là F0 đã giúp chị có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc hỗ trợ các bệnh nhân khác. Đồng thời, nhìn vào chị, các bệnh nhân khác cũng có thêm động lực để vượt qua, chiến thắng COVID-19. Chị đã rủ được nhiều bệnh nhân rời khỏi giường bệnh để ra sân vận động, tập thể dục, tăng thêm sức đề kháng. Một số bệnh nhân còn cùng chị tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm, phát cơm cho các bệnh nhân khác. Một thời gian sau, cả nhà chi Tuyền không may cũng đều bị nhiễm COVID-19 và đã được chuyển vào bệnh viên dã chiến tại trường Lê Quý Đôn để chị tiện chăm sóc cho người thân. Đã là người từng bị nhiễm trước nên chị biết được các triệu chứng của bệnh và hỗ trợ cho mọi người để nhanh chóng khỏi bệnh. Sau một thời gian ngắn, cả gia đình chị đều khỏe mạnh, khỏi bệnh và trở về nhà. Còn chị, sau thời gian tham gia tình nguyện, cách ly chị đã trở lại công việc tại đơn vị. Chị đã cùng với đồng nghiệp và các cô, chú, anh, chị trong Liên đoàn lao động quận Gò vấp hỗ trợ đóng gói nhu yếu phẩm, những phần quà từ các gói an sinh, các nhà hảo tâm để trao tới tay những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đồng thời, chị cũng tham gia công tác tuyên truyền cho mọi người cách phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn cách chăm sóc bản thân, gia đình không may bị nhiễm bệnh.

Coi những người bị nhiễm COVID-19 như những bệnh nhân bình thường khác

Bác sĩ Hoàng Bích Hồng, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm y tế quận Phú Nhuận tích cực đi đầu tham gia công tác tình nguyện.

Với nhiệm vụ, trách nhiệm của một bác sĩ, ngay từ khi Thành phố mới bùng phát dịch bệnh, bác sĩ Hoàng Bích Hồng, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm y tế quận Phú Nhuận đã tích cực đi đầu đăng ký tham gia công tác tình nguyện, hỗ trợ phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Thời gian đầu, chị tham gia công tác tiêm ngừa vắc –xin COVID-19, rồi phụ trách công tác điều hành chuyên môn các khu cách ly của quận, trực tiếp tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại khu cách ly 128 Nguyễn Trọng Tuyển và 18A Hoàng Diệu trong thời gian từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9/2021.

Nhớ lại thời gian này, chị kể lúc tham gia vào công tác phòng chống dịch chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ công việc của mình. Mình có chuyên môn, có các biện pháp phòng bệnh nên không quá lo lắng hay sợ hãi. “Tôi luôn coi những người bị nhiễm COVID-19 như những người bệnh nhân mắc các bệnh bình thường khác. Khi mọi người còn đang hoang mang, thì những người bệnh lại càng cần được chăm sóc, quan tâm, động viên hơn bao giờ hết nhất là sự động viên về tinh thần là rất quan trọng, để họ luôn thoải mái, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng vi rút này”, chị Hồng chia sẻ.

Dịch bệnh ngày càng phức tạp, khi số ca nhiễm mới mỗi lúc một tăng, khiến cho số bệnh nhân tại các bệnh viện, khu cách ly trở lên quá tải. Công việc và những áp lực mỗi ngày đã cuốn chị theo, chẳng còn thời gian để lo lắng hay sợ hãi, không suy nghĩ tới hiểm nguy mà chỉ biết phải cố gắng thật nhiều vì các bệnh nhân đang cần mình. “Những người bệnh khi mới vào khu cách ly, họ hoang mang, lo lắng lắm. Những người như chúng tôi phải tư vấn, chia sẻ, đồng hành, chăm sóc cho họ. Nhìn những bệnh nhân do chính mình chăm sóc được khỏe mạnh lên từng ngày, từng giờ và được ra khỏi khu cách ly, được trở về nhà thật sự rất hạnh phúc. Chúng tôi chăm sóc họ như chính người thân của mình vậy. Chúng tôi rất vui khi họ mình an”.

Kể trong thời gian làm nhiệm vụ đặc biệt này, chị nhớ mãi có một gia đình cả nhà bị nhiễm COVID-19 gồm người bà, hai vợ chồng, 4 đứa con nhỏ và đặc biệt người vợ ấy đang mang thai em bé thứ 5. Người bà lại có bệnh nền nên được chỉ định điều trị tại bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, cả gia đình họ nhất định không chịu tách nhau ra. “Đêm ấy đã rất khuya, bệnh viện dã chiến đang quá tải chưa thể tiếp nhận ngay được, trạm y tế đã đưa cả nhà về chỗ chúng tôi. Hiểu tâm lý lo lắng của người bệnh, sau khi sắp xếp, bố trí các giường bệnh phù hợp, chúng tôi đã quyết định tiếp nhận cả nhà vào để điều trị. Sau thời gian chăm sóc, rất vui mừng khi cả gia đình ấy đã khỏi bệnh và được trở về nhà”, chị Hồng nhớ lại.

Bác sĩ Hoàng Bích Hồng khám cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trong sáng 2/11.

Không chỉ chăm sóc bệnh nhân dưới góc độ chuyên môn, chị Hồng còn thường xuyên hỏi han, quan tâm tới chế độ dinh dưỡng cho các bệnh nhân. Có những bệnh nhân không ăn được suất ăn tại khu cách ly, chị đã bỏ tiền túi ra mua cháo, những thực phẩm dễ tiêu hóa, để giúp bệnh nhân đủ dinh dưỡng chống lại bệnh. Trước khi có các gói thuốc A,B,C cho bệnh nhân mắc COVID-19, trong điều kiện thiếu thốn của khu cách ly, chị đã mua các loại thuốc cơ bản, để giảm triệu chứng cho bệnh nhân từ lúc mới bùng dịch.

Khu cách ly do chị phụ trách chủ yếu là người lớn song cũng có một số trẻ em. Trong dịp Trung Thu vừa qua, cùng với các phần quà của UBND quận Phú Nhuận, Liên đoàn Lao động quận Phú Nhuận, chị cũng đã cùng với các y bác sĩ và các tình nguyện viên tổ chức tặng quà, tạo không khí vui vẻ cho các bé không may phải ở lại khu cách ly trong thời điểm này. Ngoài việc chăm lo cho bệnh nhân trong khu cách ly, chị Hồng còn tích cực tư vấn hỗ trợ về mặt tinh thần cho các bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà sau khi hoàn thành cách ly, như thăm khám, hỗ trợ thở bình oxy, phát túi thuốc đến tận nhà…Trong lúc tư vấn sức khỏe cho gia đình 1 em học sinh bị F0, cả nhà đã đi cách ly hết, em đó năm nay lên lớp 12 mà hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn không mua được sách giáo khoa để học. Biết chuyện chị đã mua ngay một bộ sách và đồ dùng học tập để tặng em học sinh đó, để em an tâm điều trị và học tập năm cuối cấp.

Dịch bệnh trên địa bàn Thành phố thời điểm này đã có những kết quả rất tích cực. Thành phố đã dần nới lỏng, mở cửa cho nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và cuộc sống của người dân đang dần trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Chị Hồng nói, được như hôm nay, người dân Thành phố nói chung và nhất là những người làm trong ngành y tế như các chị rất hạnh phúc, rất mừng. Tuy nhiên, hiện nay số ca nhiễm cũng vẫn còn khá cao trong cộng đồng, do đó, chị vừa làm công việc chuyên môn hàng ngày đồng thời vẫn tiếp tục tham gia vào công tác phòng, chống COVID-19 tại khu cách ly.Trái tim ấp áp, giàu lòng nhân ái của người phụ nữ ấy lúc nào cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ cho bà con trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Một túi thuốc được trao đi, một hộp cháo được mang đến cho người bệnh…hay những cử chỉ chăm sóc, đôi khi là những lời động viên kịp thời đã giúp người bệnh có thêm động lực, tinh thần để chiến thắng dịch bệnh.

Dù ở vị trí công việc khác nhau nhưng ở chị Tuyền và chị Hồng chúng ta đều cảm nhận được là những người phụ nữ dũng cảm, không nề hà trước bất kỳ khó khăn, hiểm nguy nào. Mong sao những “đóa hồng tình nguyện” ấy sẽ được nhân lên thật nhiều trong cộng đồng, để những yêu thương, sự sẻ chia sẽ ngày càng được lan tỏa./..

Vương Lê