Những lý do nào khiến điểm chuẩn của khối ngành Sức khỏe 'giảm nhiệt'?

Nhận định về vấn đề này, thầy Nguyễn Duy Khánh (giáo viên Sinh học thuộc Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass, nguyên giáo viên Sinh học Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) đã gửi tới Báo SK&ĐS bài viết, trong đó đưa ra những phân tích điểm chuẩn đối với khối ngành Sức khỏe.

Dưới đây là nội dung bài viết của thầy giáo Nguyễn Duy Khánh:

Điểm chuẩn khối ngành Y Dược năm 2023 giảm

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2023, có thể dễ dàng nhận thấy rằng hai ngành "hot" nhất của khối ngành Sức khỏe là Y khoa và Răng-Hàm-Mặt có xu hướng giảm so với năm ngoái trong khi các ngành khác lại tăng.

Cụ thể, điểm chuẩn của ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022 lần lượt là 28,15 và 27,70 thì năm nay giảm xuống còn 27,73 và 27,50.

Điểm chuẩn của hai ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2022 là 26,65 và 26,65 thì đến năm nay giảm xuống còn 26,31 và 26,28. Đây là năm thứ ba liên tiếp từ năm 2021 các ngành này có xu hướng giảm điểm chuẩn xuống.

Sự thay đổi điểm chuẩn của ngành Y khoa (không xét phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ) của một số trường đại học trên cả nước qua 3 năm gần đây.

Trong khi đó, các ngành khác của khối chăm sóc sức khỏe thì thường có xu hướng điểm chuẩn tăng lên. Ví dụ như ngành Điều dưỡng và Dinh dưỡng của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng lần lượt từ 19,05 và 19,10 năm 2022 lên thành 22,40 và 21,80 năm 2023.

Hay ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học của Trường Đại học Y Dược (Đại học Thái Nguyên) tăng từ 22,50 năm 2022 lên 24,25 năm 2023. Những ngành này phù hợp cho các bạn thí sinh có mức học lực khá, ở trong làn điểm vẫn có điểm cộng ưu tiên tốt và sau dịch COVID-19 thì các bạn được đến trường, lớp học trực tiếp nên hiệu quả học tập cao hơn năm 2022.

Nguyên nhân do đâu?

Một số lý do dẫn đến điểm chuẩn của ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt có xu hướng giảm xuống so với năm 2022 như sau:

Thứ nhất, mức học phí của các trường khối ngành Y Dược hiện nay đang tăng khá rõ rệt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của thí sinh. Đây có thể là một trong những lý do để cộng đồng, cha mẹ học sinh và các thí sinh đắn đo cho con đăng ký dự thi ngành chăm sóc sức khỏe hay không dù có thể năng lực học tập của thí sinh rất tốt. Đặc biệt với các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, do sự thay đổi về việc cộng điểm ưu tiên nên những thí sinh dự thi có mức cộng điểm ưu tiên rất thấp, nhất là các học sinh đăng ký dự thi hai ngành hot nhất của chăm sóc sức khỏe là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt.

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,50 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên theo quy định.

So sánh phổ điểm của khối B00 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 so với năm 2022 có thể thấy mức độ điểm lệch sang phải, tuy nhiên khoảng lệch là từ 11.00 đến 25.00 điểm.

Chính vì thế, với những thí sinh đăng ký dự thi khối ngành chăm sóc sức khỏe thì phần lớn nằm trong diện bị giảm điểm ưu tiên vì nhiều ngành có điểm chuẩn từ 22,50 trở lên, thậm chí là trên 26,00 điểm.

Thứ ba, hiện nay các trường Y Dược đang áp dụng rất nhiều các phương án tuyển sinh dẫn đến kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn là con đường duy nhất để các bạn lựa chọn. Và hầu hết các phương án tuyển sinh mới đều liên quan đến hai ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt.

Trên thực tế, để đảm bảo tính an toàn cao hơn, có những thí sinh (nhất là ở các thành phố lớn) sẽ chọn phương án xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển vì không có điểm ưu tiên. Và khi tập trung vào ôn luyện chứng chỉ quốc tế thì mức độ tập trung cho 3 môn thi truyền thống Toán, Hóa học và Sinh học cho khối thi B00 truyền thống sẽ bị giảm đi.

Thứ tư, do bối cảnh làn sóng nghỉ việc, chuyển việc của các nhân viên Y tế trong đợt dịch COVID-19 và sau dịch, sức hút của khối ngành chăm sóc sức khỏe đã giảm đi rõ rệt. Nhiều phóng sự, bài báo, bài viết nói về chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc của các bác sĩ, y tá, các nhân viên y tế khác,… cũng ảnh hưởng đến quyết định đăng ký dự thi của nhiều bạn học sinh giỏi.

Bên cạnh đó, thế hệ các bạn trẻ GenZ ưu tiên lựa chọn ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ, với phương hướng là giảm bớt việc học trong trường, tăng cường học kiến thức thực tế và tiến cận các công việc mà có thể tạo ra giá trị và làm kinh tế nhanh hơn. Vì vậy, khối ngành Y Dược với việc học hành cực kỳ vất vả, khổ luyện và rất nhiều áp lực sẽ không phải là sự lựa chọn của nhiều thí sinh, mặc dù thí sinh đó rất giỏi.

Nguyễn Duy Khánh (giáo viên Sinh học thuộc Hệ thống giáo dục trực tuyến MClass, nguyên giáo viên Sinh học Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ)