Nỗ lực vượt 'cơn gió ngược' của nhiều ngành kinh tế

Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn có những diểm sáng tích cực, được thể hiện ở các động lực tăng trưởng như giải ngân đầu tư công cao nhất từ trước tới nay, dòng vốn FDI ngày càng mở rộng, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu, một số mặt hàng nông sản đạt kỷ lục xuất khẩu.

Xuất khẩu nông sản trở thành điểm sáng trong năm qua khi kim ngạch đạt trên 53 tỷ USD. Trong đó nổi bật là sự bứt phá mạnh mẽ của những mặt hàng thế mạnh như gạo và rau quả. Với mặt hàng gạo, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 8,3 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,8 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh an ninh lương thực thế giới gặp khó thì Việt Nam đã trở thành một điểm sáng. Vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước vẫn tham gia vào thị trường thương mại lúa gạo toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường trong nước tiếp tục là “bệ đỡ” quan trọng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành đề ra.

Xuất khẩu nông sản là điểm sáng trong ngành kinh tế năm 2023

Trong các chỉ số vĩ mô phía tổng cầu, hoạt động đầu tư đưa đến nhiều kỳ vọng tích cực hơn cả. Tính chung cả năm 2023, vốn đầu tư thực hiện tăng 6,2% so với năm 2022; trong đó vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 21,2%. Đây rõ ràng là sự nỗ lực lớn của Chính phủ và doanh nghiệp.

Năm 2023 là một năm nỗ lực vượt khó của cả nền kinh tế, với thành tích đáng kể khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều ở mức tốt. Đây cũng sẽ là nền tảng tạo động lực để kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024.