Nỗi ám ảnh mang tên 1.100 điểm

Phiên giao dịch đầu tháng 12 không có gì mới mẻ khi -Index vẫn giằng co đầy khó chịu quanh mốc 1.100 điểm. Điều này phần nào khiến dòng tiền chực chờ bên ngoài vẫn lưỡng lự trong việc giải ngân, thanh khoản khớp lệnh do đó vẫn ở mức thấp.

Chật vật quanh mốc 1.100

Việc VN-Index đánh mất rồi trở lại mốc 1.100 điểm đã trở thành chuyện "cơm bữa" trong thời gian qua.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, chỉ số chính đã đánh rơi tới 5 lần ngưỡng 1.100 điểm.

Trước đó, trong phiên cuối tháng 11, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đi kèm áp lực bán kích hoạt vào cuối phiên khiến VN-Index một lần nữa "ngậm ngùi" chia tay mốc 1.100 điểm. Đây cũng là phiên đánh dấu lần thứ 5 chỉ số chính đánh rơi ngưỡng tâm lý quan trọng 1.100 điểm chỉ trong hơn một tháng trở lại đây.

Nhìn xa hơn từ đầu năm 2023, chỉ số Vn-Index cũng nhiều lần nỗ lực vượt cản nhưng sau đó đều trượt chân trước ngưỡng hỗ trợ này.

Có thể thấy, ngưỡng cản 1.100 điểm dường như đang trở thành cái “dớp” đầy ám ảnh với giới đầu tư chứng khoán.

Kể từ đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái “sideway down” với những phiên hồi phục với biên độ nhỏ, sau đó nhịp điều chỉnh sâu hơn xuất hiện xóa sạch đà tăng của chỉ số. Dòng tiền mạnh thường chỉ xuất hiện vào những thời điểm thị trường giảm sâu và điều này cho thấy nhà đầu tư dè dặt trong việc xuống tiền tại vùng giá cao.

Do đó. mốc 1.100 điểm vẫn chưa thể vượt qua nổi khi mà nhà đầu tư vẫn có tâm lý dè dặt trong việc giải ngân mới, bởi thị trường chưa xác định rõ xu hướng và rủi ro chiết khấu thêm vẫn còn tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, định giá kém phần hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố gây cản trở cho đà tăng của VN-Index. Theo thống kê của FiinGroup, nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần – cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay. Để thị trường cân bằng, FiinGroup cho rằng VN-Index cần chiết khấu sâu thêm để hấp dẫn dòng tiền hoặc các doanh nghiệp niêm yết phải tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ thời gian tới.

Thêm vào đó, thị trường đang rơi vào vùng trống thông tin nên cũng khó kỳ vọng sự bứt phá. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV chưa tới, các thông tin hỗ trợ trước đó đã phản ánh vào giá. Dù vậy, thị trường không đón nhận thêm luồng thông tin nào quá tiêu cực nên xu hướng giằng co là khó tránh khỏi. Tiền nội dè dặt, trong khi khối ngoại vẫn bán đều đặn, từ đó gây áp lực cho thị trường.

VN-Index sẽ tiếp tục đi ngang tích lũy?

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán cho rằng xu hướng nhìn chung vẫn chưa có nhiều thay đổi và thị trường sẽ tiếp tục đi ngang tích lũy trong giai đoạn tới. VN-Index có thể tiến sát tới MA200 trong các phiên tới nhưng vẫn sẽ gặp áp lực điều chỉnh để cân bằng trở lại.

“Thị trường sẽ cần nhiều hơn những phiên tích lũy để có thể tiếp tục đà tăng giá, hoặc ít nhất là một phiên bùng nổ với thanh khoản đủ tin cậy để tạo sức bật cho cổ phiếu trên thị trường”, ông Khoa nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT FiinPeace cũng cho rằng xu hướng sideway này là cần thiết, vì nhìn lại thị trường giai đoạn năm 2020, VN-Index giảm rất mạnh khi có biến cố Covid-19. Nếu để so sánh hai kịch bản để kết thúc trạng thái đi ngang là một pha giảm mạnh để bật lên và lình xình tích lũy đủ thời gian thì xu hướng hiện tại vẫn giúp nhà đầu tư bớt phần thua lỗ hơn.

Tín hiệu tích cực là VN-Index đang ở vùng giá thấp tại khu vực đi ngang với mức dao động trên 1.000 điểm. Chuyên gia FiinPeace cho rằng xu hướng sideway down của thị trường cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn kết thúc.

“Nếu thị trường sớm kéo tăng điểm từ giờ đến tháng 1/2024, sau đó có đợt giảm mạnh thì xu hướng đi ngang sẽ chấm dứt. Ngược lại, nếu thị trường biến động trong biên hẹp như hiện tại thì khả năng trạng thái "cưa chân bàn" sẽ kéo dài cho đến tháng 4 năm tới”, ông Tuấn Anh nhận định.

Đồng thời, chuyên gia FiinPeace dự báo kịch bản VN-Index "thủng" đáy 1.000 điểm khó xảy ra, sóng tăng mạnh trong năm 2024 sẽ xuất hiện và vấn đề chỉ là thời gian. Còn hiện tại, dấu hiệu xác nhận con sóng tăng lớn vẫn chưa xuất hiện, nhà đầu tư vẫn đang thận trọng chưa giải ngân với lượng tiền lớn. VN-Index cần xác nhận vượt những ngưỡng cản quan trọng với lượng tiền mua đuổi lớn thì nhà đầu tư mới có thể giải ngân quyết liệt vào chứng khoán.

Về chiến lược đầu tư, vị chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể tranh thủ tận dụng cơ hội gom cổ phiếu tại những nhịp giảm từ khoảng cuối tháng 1 và cuối tháng 4 năm tới. Ngược lại, những nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi thị trường xác nhận tín hiệu rõ ràng hơn để giải ngân.

Đồng quan điểm, chuyên gia Agriseco cho rằng việc nhà đầu tư thận trọng là hợp lý ở giai đoạn thị trường đi ngang. Chiến lược đầu tư phù hợp là nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức thấp, hạn chế giải ngân mới và chờ thêm tín hiệu tích lũy hoặc có sự bứt phá với thanh khoản đủ mức độ tin cậy từ thị trường mới ra quyết định giải ngân mới.

Chuyên gia của ứng khoán Yuanta cũng nhận định xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức "Trung tính". Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và chưa nên mua trở lại trong giai đoạn này.

Theo giới phân tích, nhìn chung, đầu tư chứng khoán là một quá trình dài hạn, không phải là một trò chơi may rủi. Nhà đầu tư nên có một tinh thần lạc quan và kiên nhẫn, để vượt qua những khó khăn và tận dụng những cơ hội. Không nên để bị cuốn theo sự biến động ngắn hạn của thị trường và tập trung vào xu hướng dài hạn của cổ phiếu. Ở một góc độ nào đó, nhà đầu tư có thể coi sự sụt giảm của thị trường là cơ hội để tích lũy thêm những cổ phiếu có nền tảng tốt.

Hải Giang