Nổi bật trong nước tuần 15 - 21/1: Thông qua Luật Đất đai sửa đổi; xét xử vụ khủng bố tại Đắk Lắk

Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Trong tuần qua, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Tập đoàn điện lực Việt Nam…

Các đại biểu ấn nút biểu quyết về Luật đất đai (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), với 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%), thể hiện sự thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội. Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 260 điều, hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất. Luật Đất đai có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật khó và phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, giải quyết những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung.

Hàng không, đường sắt tăng tải dịp Tết phục vụ người dân

Tuần qua, ngành Hàng không và Đường sắt đều công bố tăng tải chỗ, chuyến bay, đoàn tàu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trước tình trạng nhiều chuyến bay Tết đã hết chỗ, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco tăng hơn 66.200 ghế trên chặng bay nội địa, tương đương hơn 310 chuyến bay nội địa trong giai đoạn cao điểm Tết từ ngày 25/1 - 24/2/2024 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Các chuyến bay tăng cường tập trung nhiều nhất vào các đường bay nội địa giữa Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Huế, Quảng Nam, Tuy Hòa, Đà Lạt, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc.

Ngành đường sắt cũng tiếp tục tổ chức thêm 8 chuyến tàu tuyến Bắc - Nam để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới. 8 chuyến này xuất phát từ ga Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại, từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi về Sài Gòn. Ngoài ra, ngành đường sắt cũng nối thêm toa tàu để tăng lượng khách phục vụ. Tổng số chỗ được bổ sung là hơn 4.000 chỗ.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở

Trong tuần qua, Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS, từ năm học 2024 - 2025, các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS sẽ tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất hai lần/năm.

Việc xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận trình độ của học sinh, học viên học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp Trung học Cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở. Việc xét công nhận tốt nghiệp căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập năm học lớp 9 của học sinh. So với quy chế cũ, Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT có một số điểm mới đáng chú ý như: Số lần xét tốt nghiệp trong một năm; không xếp loại tốt nghiệp…

Học sinh được công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Điểm mới của quy chế này là không xếp loại học sinh, còn với quy chế hiện hành, kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: Giỏi, khá, Trung bình, căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực.

Đắk Lắk xét xử vụ ủng bố xảy ra tại Cư Kuin

Trong tuần qua, vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận về pháp luật là Ngày 16/1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm” xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023, đối với 100 bị cáo. Phiên tòa xét xử lưu động tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ba Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.

Phiên tòa xét xử vụ khủng bố tại Đắk Lắk. Ảnh TTXVN

Đại diện Viện Kiểm sát nhân tỉnh Đắk Lắk thực hiện quyền công tố đã công bố cáo trạng truy tố vụ án và truy tố hành vi của các bị cáo tại phiên tòa và xét hỏi các bị cáo.

Tại phiên tòa, các bị cáo bị truy tố về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Khủng bố” đều khai nhận hành vi phạm tội của mình và thừa nhận cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội. Đồng thời, các bị cáo trình bày do nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị rủ rê, lôi kéo, kích động nên đã tham gia thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của mình và mong được khoan hồng của pháp luật.

Khởi tố, bắt tạm giam nguyên hai Tổng Biên tập báo Thanh niên

Tuần qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Công Khế về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản. Cùng bị bắt với ông Nguyễn Công Khế là ông Nguyễn Quang Thông. Các sai phạm của 2 ông này được xác định xảy ra trong khi lãnh đạo báo Thanh niên.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". Quá trình điều tra đến nay xác định, ông Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên và Nguyễn Quang Thông - nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, đã có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Khu đất số 151 - 155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP HCM.

Cả hai ông bị điều tra dấu hiệu sai phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự. Viện kiểm sát nhân dân TP HCM đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng trên. Vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM tập trung khẩn trương mở rộng điều tra, để làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác có liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Xử lý kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương

Trong các ngày 10, 11 và 19/1 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 35.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công Thương các nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Trịnh Đình Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đỗ Thắng Hải, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Hoàng Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Bắt tạm giam Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh

Cũng trong tuần qua, Cựu chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra tội nhận hối lộ liên quan Công ty AIC.

Ngày 19/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Tử Quỳnh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh), Nguyễn Hạnh Chung (cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh) về tội nhận hối lộ. Các quyết định trên là động thái trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế (Sở Y tế Bắc Ninh), Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Vân Sơn/Báo Tin tức