Phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại

Đây là ý kiến của bà Chu Thu Phương (Trường Đại học Quốc gia à Nội) tại tọa đàm "Ứng dụng chất liệu Tuồng trong đời sống đương đại" tổ chức ngày 25/11 tại Hà Nội.

Theo bà Phương, ngày nay, Tuồng đang bắt đầu “tan ra” thành nhiều yếu tố, được sử dụng trong nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn khác nhau; được trao truyền qua các câu lạc bộ, gia đình, lớp học; không gian trình diễn là chiếu tuồng, đình chùa, sân khấu.

NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: NHN

Về giải pháp bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng, bà Chu Thu Phương đề xuất, cần bảo tồn Tuồng gốc đồng thời ứng dụng nhạc Tuồng vào múa hiện đại, ghép múa Tuồng với kịch câm, ứng dụng chất liệu Tuồng trong thời trang và sản xuất đồ lưu niệm.

Tuồng (còn gọi là hát bộ, hát bội) - một loại hình nghệ thuật sân khấu có tính cổ điển, bác học bậc nhất của Việt Nam. Với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm, Tuồng là nghệ thuật tổng hợp có cả văn học, hội họa, âm nhạc, trò diễn… thể hiện giá trị và bản sắc truyền thống của người Việt.

Từ thực tế Tuồng đang bị mai một và xa rời khán giả, bà Phương bày tỏ mong muốn tới đây Tuồng sẽ sớm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể. Bởi nếu được ghi danh đây sẽ là cơ sở để di sản này được bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ... cũng đã chia sẻ tổng quan về nghệ thuật Tuồng; ứng dụng chất liệu Tuồng trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sân khấu thể nghiệm, trong giao thoa ngôn ngữ đa phương tiện, cũng như thiết kế mỹ thuật; gìn giữ Tuồng trong đời sống hiện nay...

Cũng đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Lư Thị Thanh Lê cho hay, càng nghiên cứu, tiếp xúc bà càng thấy được vẻ đẹp của nghệ thuật Tuồng, từ phục trang, nhân vật, diễn xuất...

Tuy nhiên, thực trạng của sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Theo bà Lê, để đưa Tuồng đến gần hơn với công chúng, giúp công chúng tiếp nhận những tinh hoa của nghệ thuật Tuồng thì cần tôn vinh nghệ thuật Tuồng bằng cách thường xuyên giới thiệu các vở tuồng kinh điển cũng như những vở được dựng mới.

Bên cạnh đó, cần có thêm những trích đoạn Tuồng ngắn để giới thiệu với du khách, giúp họ hiểu thêm nét đặc sắc của Tuồng; đem Tuồng vào công nghiệp văn hóa...

Nêu ý kiến tại tọa đàm, nhiều họa sĩ cũng đưa ra những minh chứng cho việc thực hành nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại, và cả những giải pháp tạo "đất sống" cho nghệ thuật Tuồng.

Theo họa sĩ Triệu Minh Hải, ngoài giá trị văn hóa, Tuồng còn giá trị ứng dụng có khả năng bao chứa nội lực, thúc đẩy ngôn ngữ nghệ thuật, nâng tầm nghệ thuật đương đại. Chất liệu Tuồng có vị trí tiếng nói nhất định, giúp các nghệ sĩ tạo sự khác biệt trong phong cách.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định, trải qua không ít những thăng trầm, có lúc tưởng như không thể ở cùng thời đại, cho đến nay nghệ thuật Tuồng vẫn hiện diện, đó cũng là tín hiệu vui.

Nhà nghiên cứu Chu Thu Phương trình bày tại tọa đàm. Ảnh: Vietnam+

Nhiều ý kiến cũng đề xuất có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế và có những nghiên cứu để đưa Tuồng vào trong chuỗi hoạt động, gói dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, quảng bá nét đẹp của loại hình nghệ thuật này tới công chúng trong nước và quốc tế. Từ đó loại hình nghệ thuật bác học này có thể phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

T.Toàn