Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình kiểm nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ organic cho cây chè tại xã La Bằng (Đại Từ).

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, HND tỉnh đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này đã được khẳng định khi 10 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội HND tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023, đề ra đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch.

Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; tổ chức nhiều phong trào, hoạt động sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng, mong muốn của nông dân. Từ đó tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân của tỉnh phát triển mạnh mẽ.

Thể hiện rõ nét nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. 5 năm qua, phong trào tiếp tục lan tỏa sâu rộng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong nông dân, phát huy thế mạnh vùng miền để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trung bình mỗi năm, Thái Nguyên có 129.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất - kinh doanh giỏi, qua bình xét có khoảng 58.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua phong trào thi đua, tinh thần tương thân tương ái của hội viên, nông dân được phát huy tích cực.

Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và bằng nhiều hình thức trợ giúp khác nhau, các cấp Hội đã đóng góp trên 5,3 tỷ đồng, hỗ trợ 30.000 ngày công lao động, giúp đỡ được 3.556 hộ nông dân thoát nghèo và nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.

Mô hình trồng nho hạ đen của ông Phạm Tiến Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Trà Viên, xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên) cho thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Các cấp Hội cũng đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất và các hình thức phát triển kinh tế tập thể, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các cấp Hội còn chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức để hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất... Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 và thiên tai, nhưng với vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội và nông dân đã đóng góp vào “bức tranh” nông nghiệp Thái Nguyên nhiều “gam màu sáng”.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển dần theo hướng sạch, hữu cơ, liên kết và ứng dụng khoa học - công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất tập trung; chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, liên kết theo chuỗi giá trị; lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế trồng rừng kinh tế; chăn nuôi thủy sản phát triển ổn định...

Bà Hà Thị Vòng, ở phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà con nông dân ngày càng tích cực hơn và thể hiện rõ nét vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đưa phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới" phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu trên mọi miền quê. Các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân hiến gần 400.000m2 đất, đóng góp 220.000 ngày công lao động để làm mới, sửa chữa trên 780km đường giao thông liên xóm, sửa chữa trên 1.300km kênh mương và nhiều công trình khác, với tổng trị giá gần 179 tỷ đồng...

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là yếu tố thiên tai, dịch họa. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các cấp, cán bộ Hội và hội viên nông dân cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Trên tinh thần đó, thời gian tới, HND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hoạt động Hội hướng mạnh hơn nữa về cơ sở, nắm chắc tình hình và tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó giúp các hội viên chủ động, tự tin hơn trong lao động, sản xuất, tổ chức cuộc sống.

Trong nhiệm kỳ mới, HND các cấp cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp với du lịch; tiếp tục phát huy tốt vai trò tham gia giám sát, phản biện xã hội, nhất là việc thực hiện chính sách tín dụng; giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Mặt khác, các cấp Hội duy trì và phát triển tốt các mô hình liên kết tập thể; đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển”, tin tưởng Đại hội HND tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ tạo động lực mới, khí thế mới để các cấp Hội và hội viên, nông dân tiếp tục khắc phục khó khăn, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Qua đó góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ lớn, xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, văn minh...