Phát triển bảo tồn đa dạng sinh học ngoài các khu bảo tồn, đem lại sinh kế bền vững

Nhiều khu vực rừng ngập mặn cần được bảo tồn và quản lý.

Hội thảo tham vấn đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển “Khu vực có biện pháp bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên" (OECM), ngày 15/12, tại Hà Nội, đã thu hút gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chia sẻ quan điểm về tiềm năng và phương hướng cho công tác bảo tồn OECM tại Việt Nam.

PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2023: 30% DIỆN TÍCH TRÁI ĐẤT ĐƯỢC BẢO TỒN

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực hợp tác với các đối tác phát triển quốc tế, đã và đang hướng tới tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học dựa trên các Khu vực có biện pháp Bảo tồn hiệu quả khác ngoài khu bảo tồn thiên nhiên (OECMs).

Việt Nam là một trong 168 bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD). Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia CBD đã thông qua Khung đa dạng Sinh học toàn cầu Kunming - Montreal nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Một trong những mục tiêu chính của của Khung đa dạng Sinh học toàn cầu là kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của trái đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các OECM vào năm 2030 (mục tiêu 30x30). OECMs đã và đang từng bước được mở rộng và phát triển trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Văn Tài (ngồi giữa) đồng chủ trì hội thảo cùng IUCN và đại diện GIZ.

Ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN (Liên mình Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) Khu vực Hạ lưu Mekong, thông tin thêm rằng OECM là một khu vực được xác định về mặt địa lý, không phải là Khu bảo tồn, được quản trị và quản lý theo những phương thức nhằm đạt được kết quả tích cực và bền vững lâu dài về bảo tồn đa dạng sinh học nguyên vị/tại chỗ với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái liên quan và đôi khi bảo tồn cả các giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế xã hội và các giá trị có liên quan khác tại địa phương. Khái niệm OECMs đã được quốc tế công nhận.

Tại Việt Nam, khung pháp luật quy định việc thành lập và quản lý OECMs như một cách tiếp cận bảo tồn mang tính sáng tạo đang được tiếp tục nghiên cứu và xây dựng.

Theo ông Jake Brunner, thể chế hóa các OECM sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế mà còn bảo vệ đa dạng sinh học của các sinh cảnh bị đe dọa như những vùng núi đá vôi độc lập, các vùng đồng cỏ ngập lũ theo mùa, các vùng bãi triều ven biển mà hiện nay còn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống các Khu Bảo tồn.

Trong khi các Khu Bảo tồn phải có mục tiêu chính là bảo tồn, thì các OECM có thể được quản lý với nhiều mục đích khác nhau nhưng phải đạt được mục tiêu bảo tồn hiệu quả và dài hạn. Việc thành lập các OECM phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ộ Tài nguyên và Môi trường và góp phần thúc đẩy bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học.

ĐIỀU CHÍNH CÁC TIÊU CHÍ QUỐC TẾ PHÙ HỢP VỚI VIỆT NAM

Đánh giá tiềm năng và phương hướng phát triển của các biện pháp bảo tồn tại Việt Nam, bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức GIZ Việt Nam, cho hay trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác phát triển được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa LB Đức (BMZ) và Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức (BMWK), một dự án được thực hiện triển khai hoạt động rà soát các OECMs tiềm năng trên toàn tỉnh Quảng Ninh.

Quá trình thử nghiệm áp dụng 4 tiêu chí đã được quốc tế thông qua vào công tác xác định các OECMs ở hai địa điểm là rừng giống Nui Hua và rừng phòng hộ Yên Lập của tỉnh Quảng Ninh, đã cung cấp cơ sở cho các đề xuất quan trọng giúp định hướng quá trình xác định các OECMs trong tương lai ở Việt Nam.

Một trong những đề xuất chính trong số đó là cần phải điều chỉnh các tiêu chí của IUCN và các công cụ đánh giá sao cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, đặc biệt là tiêu chí về ranh giới của các OECM biển. Thực hiện các OECMs không chỉ có tiềm năng lớn cho việc mở rộng hệ thống khu vực bảo tồn hiện tại mà còn có thể đưa vào hệ thống này các loại khu vực bảo tồn khác.

Phương pháp này cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường năng lực thực hiện các cam kết quốc tế của mình trong Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) và Khung Đa dạng Sinh học Toàn cầu Kunming-Montreal. Một trong những nội dung chính của Khung này chính là mục tiêu 30x30 nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và nước trên thế giới vào năm 2030. Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có 7% diện tích đất và dưới 2% diện tích biển của Việt Nam được bảo tồn.

Toàn cảnh hội thảo tham vấn, ngày 15/12/2023 tại Hà Nội.

Một trong những bài học thu được từ các kết quả nghiên cứu cho thấy cần phải thành lập ủy ban điều phối OECM ngay từ giai đoạn đầu. Dự án cùng với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Vụ Quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định được 9 hạng mục các khu vực là OECM tiềm năng.

"Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xây dựng bản đồ của những khu vực này và đề xuất các cơ chế quản lý và quản trị tổng thể. Với việc công nhận các OECMs, Việt Nam sẽ đạt được bước tiến đáng kể đối với hệ thống các khu bảo tồn và bảo vệ. Đây chính là nền tảng để thực hiện các cam kết đầy tham vọng của Việt Nam trong Công ước Đa dạng sinh học của ên hiệp quốc và thực hiện Mục tiêu 30x30 tại Việt Nam”, bà Anja Barth khuyến nghị.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Giám đốc Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã, WWF-Việt Nam, cho rằng việc thực hiện OECM tại Việt Nam cần được tiếp cận một cách toàn diện, đảm bảo sự tham gia chủ động của cấp cơ sở và cộng đồng địa phương. WWF mong muốn phối hợp với các bên liên quan trong việc lựa chọn, thí điểm một vài mô hình OECM ở khu vực Trung Trường Sơn, đóng góp cho việc hoàn thiện Khung pháp lý và các chính sách cho các OECMs của Việt Nam trong những năm tới.

Chu Khôi