Phi công Nga may mắn thoát chết trong gang tấc khi chiến đấu cơ Su-25 bị bắn rơi

Theo The Drive, trong ngày 23/10/2022 (giờ địa phương), không quân Nga đã công bố một đoạn video, ghi lại cảnh phi công lái chiếc Su-25 đã may mắn thoát chết trong gang tấc khi chiếc máy bay của anh ta bị phòng không Ukraine bắn rơi.

Đoạn video được quay vào mùa hè năm nay tại Ukraine, địa điểm và thời gian cụ thể không được công bố.

Trong đoạn video ở góc nhìn thứ nhất, chiếc Su-25 chỉ cách mặt đất khoảng 200m khi bị tấn công đột ngột, buộc phi công phải thoát hiểm khẩn cấp. Thời điểm phi công thoát ra khỏi buồng lái bằng ghế phóng Zvezda K-36, có thể thấy phần đuôi của Su-25 đã bị bắn trúng, động cơ bốc cháy dữ dội.

Từ thời điểm chiếc máy bay trúng đạn cho tới quyết định nhảy dù chỉ tính bằng giây. Sau khi phi công tiếp đất an toàn, chỉ vài giây sau cường kích Su-25 đã lao xuống cánh đồng gần đó, tạo ra một cột lửa lớn.

Chiếc Su-25 này được cho là mang số hiệu RF-91965, thuộc trung đoàn Shturmovik. Bầu trời Ukraine vẫn được cho là một trong nhưng nơi nguy hiểm nhất hiện nay đối không quân Nga.

Cường kích Su-25 có kích thước nhỏ gọn và chi phí vận hành rẻ, cho phép không quân Nga xuất kích liên tục mỗi ngày trong xung đột Ukraine, thay vì chỉ một hoặc hai chuyến như cường kích Su-34. Hiện Nga sử dụng phần lớn phiên bản Su-25SM3.

"Một phi đội cường kích nhỏ thường có hiệu quả cao hơn những phi cơ mang hàng tấn bom, nhất là khi tấn công những tên khủng bố lẩn trốn trong hầm ngầm", chuyên gia quân sự Dmitry Litovkin của Nga trước đó nhận định về Su-25SM3.

Mẫu Su-25SM3 là phiên bản mới nhất của dòng cường kích Su-25 nổi tiếng do Liên Xô phát triển, phiên bản này được tích hợp nhiều thiết bị cảm biến và cơ chế phòng thủ nâng cao.

Những nâng cấp giúp chiếc cường kích Su-25SM3 mang biệt danh "xe tăng bay" này có thể phô diễn sức mạnh trong chiến trường hiện đại.

Su-25SM3 có chiều dài 15,35 m, cao 5,2m và có sải cánh 14,52 m.

Trọng lượng cất cánh của Su-25SM3 tối đa lên tới hơn 17 tấn.

Cường kích này được trang bị 2 động cơ turbojet, có tốc độ bay tối đa là 950 km/h, tầm bay 1.000 km.

Su-25SM3 có thể bay xa 1.850 km nếu có thêm thùng nhiên liệu bên ngoài.

Về hệ thống điện tử, không quân Nga lắp đặt hệ thống ngắm bắn SVP-24 cho cường kích Su-25SM3.

Hệ thống SVP-24 liên tục tính toán khoảng cách giữa máy bay và mục tiêu nhờ sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GLONASS.

Các hệ thống này đo các thông số môi trường như áp suất, độ ẩm, tốc độ gió và nhận thêm thông tin bổ sung từ máy bay cảnh báo sớm, sở chỉ huy và các phi cơ khác.

Phi công chỉ cần điều khiển máy bay theo các tham số do SVP-24 đưa ra, các quả bom không có hệ thống dẫn đường sẽ được tự động thả đúng thời điểm để đánh trúng mục tiêu với sai số chưa tới 5 m.

Ngoài SVP-24, biến thể Su-25SM3 còn được lắp hệ thống định vị và ngắm bắn quang - điện tử SOLT-25, cho phép nó tác chiến cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết.

"Tổ hợp SOLT-25 gồm thiết bị ngắm quang - điện tử, camera ảnh nhiệt và bộ đo xa laser. Nó có thể tìm kiếm và bám bắt nhiều mục tiêu như bộ binh, tăng thiết giáp và lô cốt, bất chấp sương mù và mưa lớn", giáo sư Vadim Kozulin tại Học viện khoa học quân sự Nga cho biết.

Ngoài tăng cường khả năng tấn công chính xác, một điểm quan trọng ở gói nâng cấp Su-25SM3 là tổ hợp phòng thủ điện tử Vitbsk do Viện nghiên cứu Samara phát triển.

Vitbsk gồm một radar cảnh báo sớm, cụm cảm biến tử ngoại để phát hiện tên lửa tiếp cận (MAWS) và một thiết bị gây nhiễu mạnh.

Tổ hợp phòng thủ này được nhà phát triển cho biết nó không chỉ gây nhiễu radar mà còn có hệ thống làm mù tên lửa hồng ngoại.

Phía Nga cho biết, hệ thống Vitbsk (ảnh) được thiết kế để bảo vệ cường kích Su-25SM3 khỏi nhiều mối đe dọa trên chiến trường, từ tên lửa vác vai FIM-92 Stinger cho đến tên lửa Patriot PAC-3 hiện đại.

Hệ thống Vitbsk cũng có thể tự động nhận diện và định vị chính xác các radar đang hướng vào máy bay. Dữ liệu cảnh báo sẽ được nạp vào máy tính và chuyển thành tham số mục tiêu, giúp cường kích Su-25SM3 tấn công bằng tên lửa diệt radar như Kh-25MPU và Kh-58.

Trong trường hợp Su-25SM3 không quyết định tấn công, chúng có thể chuyển dữ liệu cho các máy bay chế áp hệ thống phòng không đối phương.

Các máy bay Su-25SM3 cũng được lắp bộ cảnh báo chiếu xạ radar và trinh sát điện tử L-15-16M.

Hệ thống này không chỉ thu nhận tín hiệu từ radar mặt đất mà còn đủ sức phát hiện tín hiệu radar từ máy bay đối phương, cho phép Su-25SM3 cung cấp tham số cho tên lửa dùng đầu dò thụ động như R-27P/EP.

Kho vũ khí của Su-25SM3 khá đa dạng, từ pháo bắn nhanh, rocket đến các loại bom và các loại tên lửa đối đất.

Hiện Nga đang sở hữu khoảng 1/3 trong tổng số hơn 250 chiếc Su-25 đã được nâng cấp lên chuẩn Su-25M3.

Đáng chú ý khi tham chiến tại Ukraine, Su-25SM3 đã cho thấy là dòng máy bay "sống dai".

Một số chiếc Su-25SM3 dù bị phòng không Ukraine bắn thủng lỗ chỗ ở thân và phá hỏng một động cơ, nhưng phi công vẫn có thể điều khiển cho chúng hạ cánh an toàn.

Phía Ukraine tuyên bố họ đã bắn hạ hơn 200 chiến đấu cơ các loại trong đó có lương lớn cường kích Su-25SM3 của Nga, tuy nhiên Moscow chưa lên tiếng về việc này.

Việt Hùng