Quản lý mã số vùng trồng, nâng chất lượng vải xuất khẩu

Tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc

Để nhập khẩu vải thiều chất lượng, các quốc gia như: Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Thái Lan… đã đặt ra nhiều tiêu chí đối với sản phẩm như: Sản xuất bảo đảm an toàn, kiểm soát sinh vật gây hại, ghi chép sổ tay canh tác (nhật ký đồng ruộng), truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nắm bắt các quy định đó, từ nhiều năm nay, người trồng vải trong tỉnh chủ động tuân thủ quy trình chăm sóc cây trồng, bảo đảm sản phẩm khi cung cấp ra thị trường đạt yêu cầu.

Nông dân thôn Trại Thập, xã Tân Lập (Lục Ngạn) chăm sóc vườn vải thiều xuất khẩu.

Thời gian này, các vườn vải sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) đang ra hoa, đậu quả, sinh trưởng tốt. Đây là “thời gian vàng” quyết định đến năng suất, chất lượng quả vải sau này nên nông dân các vùng trồng tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Gia đình bà Nguyễn Thị Minh, thôn Quất Du 2 có 1 ha vải sớm phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Đưa khách đi thăm vườn vải được trồng gần 20 năm, bà chia sẻ, nhờ được cán bộ hướng dẫn, gia đình thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, chú trọng khâu vệ sinh vườn, cắt tỉa cành tạo độ thoáng nên cây chắc khỏe, ít sâu bệnh, quả vải trước khi xuất vườn có mã đẹp, vị ngọt thanh được khách hàng ưa chuộng. Từ đầu tháng 2 đến nay, cả vườn vải hơn 400 cây đồng loạt trổ hoa, đậu quả đều tăm tắp. Được biết, Phúc Hòa có gần 700 ha vải sớm. Địa phương được cấp 22 mã số vùng trồng vải xuất khẩu, trong đó 11 mã xuất sang các thị trường Trung Quốc (605 ha); 9 mã xuất khẩu sang Nhật Bản; còn lại xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ, Úc.

Ông Ngô Văn Tiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện tỷ lệ ra hoa đến nay đạt hơn 90%. Xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm vườn, hướng dẫn các hộ áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đáp ứng điều kiện xuất khẩu”. Vụ vải thiều năm 2023 của ắc Giang diễn ra thuận lợi khi sản lượng, chất lượng đều tăng, tiêu thụ thuận lợi. Trong đó, vải xuất khẩu đạt hơn 111,2 nghìn tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng, tăng gần 35,3 nghìn tấn so với năm 2022; doanh thu từ vải và các dịch vụ phụ trợ đạt hơn 6.876 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin: “Tiếp tục hướng đến mục tiêu sản xuất gắn với xuất khẩu, nâng tầm giá trị thương hiệu vải thiều Bắc Giang trên thị trường quốc tế, năm nay, Bắc Giang duy trì 29,7 nghìn ha trồng vải thiều, tương đương với năm ngoái. Đến thời điểm này, các trà vải đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao. Việc áp dụng quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ được đẩy mạnh, hứa hẹn chất lượng sản phẩm cao hơn các năm trước”.

Sẽ đề nghị thu hồi mã số vùng trồng không đạt yêu cầu

Toàn tỉnh có 223 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu với tổng diện tích hơn 17,2 nghìn ha. Trong đó, 130 mã số vùng trồng vải xuất khẩu sang Trung Quốc; 38 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản; còn lại là thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU, Thái Lan… Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân đã được nâng cao.

Diện tích vải thiều xuất khẩu thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU tại thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Dù vậy, yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu nông sản ngày càng khắt khe. Bắc Giang có vùng sản xuất đa dạng, số hộ thành viên tham gia sản xuất đông, nếu lực lượng chức năng không giám sát, quản lý tốt sẽ dẫn đến sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và sẽ bị cho “quay đầu”. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người trồng mà uy tín, thương hiệu của nông sản của tỉnh, của quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Tìm hiểu được biết, đến thời điểm hiện tại, Bắc Giang chưa có vùng trồng vải thiều xuất khẩu nào bị thu hồi mã số.

Toàn tỉnh có 223 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu với tổng diện tích hơn 17,2 nghìn ha. Trong đó, 130 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc; 38 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản; còn lại là thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU, Thái Lan…

Để có mùa vải thành công, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương đặc biệt chú trọng công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được cấp mã số.

Bám sát kế hoạch sản xuất vải thiều gắn với mục tiêu xuất khẩu năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát đối với tất cả các mã số vùng trồng hiện có. Tổ chức thiết lập hồ sơ đề nghị Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) - đơn vị có thẩm quyền cấp mã mới đối với vùng trồng đạt tiêu chuẩn, thu hồi mã số nếu không đạt yêu cầu.

Tại các địa phương như: Tân Yên; Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, chính quyền địa phương yêu cầu 100% hộ tham gia sản xuất vải xuất khẩu cam kết thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật canh tác. Hằng tháng hoặc khi có yêu cầu đột xuất, các hộ sản xuất, trưởng mã vùng trồng chủ động phối hợp, báo cáo lịch trình chăm sóc cây trồng, hồ sơ minh chứng với cán bộ chuyên môn để thực hiện giám sát. Huyện Lục Ngạn có diện tích vải thiều lớn nhất tỉnh với hơn 17 nghìn ha; 98 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu, tăng 12 mã so với năm trước, tổng diện tích hơn 12,3 nghìn ha.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Huyện thành lập tổ chỉ đạo sản xuất, yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác, sản xuất đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng nông sản xuất khẩu. Xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình sản xuất, danh mục thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo cho vải thiều để bà con sử dụng".

Cùng với người trồng vải, Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương tăng cường hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tập trung ở những địa phương có diện tích lớn phục vụ thị trường xuất khẩu. Tín hiệu vui cho mùa vải thiều năm 2024 khi thời gian qua, ngành chức năng cùng nhiều địa phương đã tích cực triển khai chương trình làm việc, ký kết hợp tác với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ vải xuất khẩu, tiếp tục mở ra cơ hội đưa quả ngọt của quê hương vươn ra thế giới.

Bài, ảnh: Hải Vân