Quảng Ninh đang ở tháng cao điểm của dịch sốt xuất huyết

Ngoài dịch Covid-19, hiện Quảng Ninh ghi nhận một số bệnh truyền nhiễm như cúm, chân tay miệng và đáng lo ngại nhất là dịch sốt xuất huyết với số ca bệnh mắc tăng cao từ tháng 9 trở lại đây.

Thời điểm giao mùa, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận nhiều trường hợp tới khám và điều trị do viêm đường hô hấp.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh), các trường hợp này chủ yếu liên quan tới chùm ca bệnh cúm B và một vài tác nhân ngoài cúm. Tính chung, số ca mắc cúm gấp 1,5 lần so với năm ngoái với hơn 2.780 ca.

Chị Nguyễn Thị Thắm, người dân thị xã Quảng Yên cho biết, con chị bị sốt, sổ mũi. Bình thường chỉ 2 ngày là bé hết sốt nhưng đợt này kéo dài 3 ngày không khỏi nên chị cho con đi khám. Cả nhà chị đều bị mắc Covid và bị cúm, xung quanh trẻ con và người lớn ốm nhiều.

Số ca mắc cúm của Quảng Ninh năm nay gấp 1,5 lần so với năm ngoái với hơn 2.780 ca.

Đáng chú ý, Quảng Ninh đang ở giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết khi trung bình mỗi tuần có khoảng 50 ca bệnh, trong đó chỉ có 1/3 số ca là người di chuyển đến từ địa phương khác; tổng số ca nhiễm trên địa bàn là 370 ca và đã có một số ca biến chứng nặng.

Các trường hợp mắc sốt xuất huyết tập trung nhiều ở Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Quảng Yên.

Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh cho biết, khi dịch Covid-19 được khống chế, các bệnh truyền nhiễm khác xuất hiện trở lại và có dấu hiệu phức tạp hơn so với chu kỳ thông thường.

"Theo chu kỳ, sốt xuất huyết có ca bệnh xuất hiện từ tháng 4 tới tháng 11 và đỉnh dịch ghi nhận vào tháng 8. Nhưng năm nay, ghi nhận nhiều vào tháng 9 và đỉnh kéo dài hết tháng 11, đầu tháng 12 sẽ giảm. Đây có thể coi là bất thường với Quảng Ninh, bởi nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh có ghi nhận sốt xuất huyết nhưng không ghi nhận các ca bệnh nặng và xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như năm nay. Khi người dân mắc Covid, sức đề kháng giảm, do vậy nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác cũng gia tăng. Vì vậy ở thời điểm này, đưa ra các biện pháp cụ thể để phòng bệnh sốt xuất huyết là rất cần thiết" - bác sĩ Trần Thị Diệp cho biết.

Biện pháp tốt nhất để phòng tránh sốt xuất huyết là diệt muỗi; dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ phế thải chứa nước triệt phá nguồn sinh sản của muỗi.

Đáng chú ý, các triệu chứng về cúm và sốt xuất huyết khá giống nhau dẫn tới việc người dân chủ quan không đi khám mà điều trị bệnh tại nhà.

Theo bác sỹ Trần Thị Diệp, điểm khác nhau là cúm liên quan tới đường hô hấp, còn sốt xuất huyết lây truyền qua vật thể trung gian là muỗi truyền bệnh. Bệnh nhân sốt cao liên tục 2-7 ngày mỏi cơ, hốc mắt... Vì vậy người dân không nên chủ quan khi xuất hiện các biểu hiện trên. Người dân cần phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế để xử lý triệt để các ổ dịch và môi trường sống xung quanh. Tất cả những người dân có các biểu hiện sốt cao, mệt mỏi và nhất là đi từ vùng dịch sốt xuất huyết về cần đến bệnh viện kiểm tra, điều trị để tránh biến chứng nặng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các chuyên gia dịch tễ đều lưu ý biện pháp tốt nhất là người dân cần chủ động phòng tránh, diệt muỗi và ấu trùng muỗi; dọn dẹp vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ phế thải chứa nước triệt phá nguồn sinh sản của muỗi./.

Vũ Miền/VOV-Đông Bắc