Sản phẩm OCOP cho nông dân vùng cao Quảng Nam thu nhập ổn định

Các chủ thể sản phẩm OCOP được chính quyền địa phương đồng hành hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối ra thị trường là điểm đặc biệt trong triển khai chương trình OCOP tỉnh ảng Nam. Năm 2018, HTX Nông nghiệp Xã Tư ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thành lập. HTX này đã chọn chè dây Ra Zéh làm sản phẩm chủ lực, tích cực hỗ trợ thành viên từ khâu chăm sóc đến thu hái chè, đồng thời làm đầu mối bao tiêu chè nguyên liệu cho thành viên và người dân, chế biến sản phẩm ra thị trường.

Sản phẩm Chè dây Ra Zéh 3 sao của HTX Nông nghiệp Xã Tư

Ông Lê Duy Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xã Tư cho biết, công suất chế biến chè của HTX đạt 2 tạ/ngày. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đang tiến tới đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật nâng cao năng lực sản xuất. Sản phẩm chè dây Ra Zéh của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, tạo thuận lợi trong việc kinh doanh và được nhiều người biết đến hơn.

“Từ khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm của HTX được khách hàng biết đến nhiều hơn, qua đó giúp việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi. HTX mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho sản phẩm, xúc tiến thương mại đến người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho HTX và người dân, giải quyết việc làm ổn định cho các hộ gia đình thành viên”, ôg Trường đề đạt.

Ông Phạm Quốc Phòng ở Xã Tư là người tiên phong đưa cây chè dây về bản làng để trồng. Năm 2016, ông Phòng lên rừng đào cây giống đem về trồng thử ở vườn gần nhà, thấy hiệu quả kinh tế, ông tiếp tục mở rộng diện tích lên 2 ha.

Đồi chè của gia đình ông Phòng mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng. Bây giờ không chỉ trồng, hái lá tươi bán, gia đình ông Phòng còn đầu tư máy móc chế biến thành trà, đóng bao bì cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, lượng tiêu thụ chè dây trên thị trường tăng mạnh, giá dao động từ 140.000 - 150.000 đồng/kg chè khô.

“Trước đây gia đình sống chủ yếu phụ thuộc trồng rừng, công ăn việc làm bấp bênh. Từ khi chính quyền địa phương thành lập, xây dựng HTX, gia đình trồng chè dây được HTX thu mua nên bà con rất phấn khởi. Mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ cho HTX, giúp bà con sản xuất nhiều hơn số lượng chè dây, nâng cao thu nhập và làm giàu từ cây chè dây”, ông Phòng mong muốn.

Ớt Ariêu muối măng - sản phẩm OCOP của huyện Đông Giang

Sản phẩm ớt A Riêu của HTX Nông nghiệp Mà Cooih, huyện Đông Giang cũng là 1 trong những sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử. Ở huyện Đông Giang, việc xây OCOP đã tạo động lực giúp các xã đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc trưng, thế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, tạo động lực giảm nghèo. Hiện tại, địa phương này có 16 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm OCOP 3 sao. Đến năm 2025, huyện Đông Giang phấn đấu có 35 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên.

Ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023 huyện đề xuất công nhận 11 sản phẩm OCOP, hiện đang được tỉnh đánh giá để tiến đến công nhận các sản phẩm này. “Định hướng sắp tới của huyện là mong muốn tập trung nâng hạng các sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao, không chỉ phát triển đại trà sản phẩm OCOP 3 sao. Từ đó sẽ có điều kiện tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như tập trung hỗ trợ các chủ thể trong liên kết phát triển thị trường”, ông Bảo nêu.

Tỉnh Quảng Nam đồng hành hỗ trợ trưng bày sản phẩm OCOP tại các Hội chợ

Đến nay, tỉnh Quảng Nam hiện có 350 sản phẩm OCOP của 260 chủ thể, gồm hộ kinh doanh, HTX, tổ hợp tác. Đã có nhiều sản phẩm đi vào chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giúp kinh tế nông thôn phát triển. Tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tham gia các hội chợ, chương trình kết nối giao thương để thương mại hóa hiệu quả sản phẩm.

Ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội nông dân Quảng Nam cho biết, các hội chợ triển lãm, ngày hội sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả rất lớn cho các sản phẩm OCOP khu vực miền núi. Ngoài quảng bá, kết nối giao thương trực tiếp, tỉnh Quảng Nam đang từng bước hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP khu vực miền núi tiếp cận và đưa sản phẩm lên thương mại điện tử.

“Nhiều sản phẩm OCOP của miền núi Quảng Nam rất được thị trường rất ưa chuộng. Hội đã tập trung trong công tác chỉ đạo, từ vận động đến giao chỉ tiêu hàng năm để các địa phương quyết tâm thực hiện chương trình này. Như chè dây ở huyện Đông Giang, đẳng sâm ở huyện Tây Giang là những sản vật vùng cao đã công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Hội cũng có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hàng nông sản cho nông dân ra ngoài các tỉnh khác, hoặc những phiên chợ, hội chợ để quảng bá giúp nông dân kết nối cung cầu với thị trường bên ngoài”, ông Nguyễn Út vui khi cho biết những thành công.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung