Số ca mắc tiếp tục tăng cao, nhiều địa phương điều chỉnh phương án phòng, chống dịch

Lai Châu: Tạm dừng các hoạt động không thiết yếu

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang có chiều hướng phức tạp khi ghi nhận 13 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, trong đó có những trường hợp không rõ nguồn lây tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường.

Nhiều người dân tại TP Lai Châu làm việc tại xã Bản Giang và có tiếp xúc với những trường hợp F0 trên.

Trước tình hình đó, chính quyền TP Lai Châu đã quyết định tạm dừng hoạt động một số dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn từ ngày 7/11 đến ngày 13/11. Các đơn vị trường học trên địa bàn TP Lai Châu tạm thời cho học sinh nghỉ học tập trung từ ngày 8/11 đến ngày 14/11 và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến.

Thanh Hóa: Triển khai xét nghiệm diện rộng

Từ đầu đợt dịch lần 4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 1.300 bệnh nhân COVID-19, với nhiều ổ dịch lớn lây lan trong cộng đồng như ổ dịch BVĐK Hợp Lực lan ra 12 huyện trên địa bàn tỉnh. Hiện tại là ổ dịch tại TX Nghi Sơn, đến nay đã ghi nhận 71 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều ca bệnh là học sinh và giáo viên. Do vậy, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TX này phải dừng việc học trực tiếp.

Từ 6/11, tỉnh Thanh Hóa triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng những khu vực có nguy cơ cao để sàng lọc, sớm phát hiện, truy vết nhanh các trường hợp F0 nhằm khoanh vùng, dập dịch, đồng thời đánh giá đúng tình hình dịch bệnh của từng địa phương và trên địa bàn toàn tỉnh để có phương án xử trí thích hợp, kịp thời.

An Giang: Nâng cấp độ dịch, tạm dừng hoạt động vận tải công cộng

Trong 24 giờ qua, tỉnh An Giang phát hiện 427 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến nay là 13.534 trường hợp.

Đánh giá tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp, tỉnh An Giang đã ban hành quyết định áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính ở cấp độ 3 trong phòng, chống dịch COVID-19 bắt đầu từ 08/11.

Tỉnh An Giang nâng cấp độ dịch lên cấp 3 từ ngày 8/11.

Theo đó, tỉnh An Giang tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa. Tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống áp dụng hình thức bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ.

Thực hiện xét nghiệm để kiểm tra, tầm soát đối với các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những trường hợp đi về từ các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và các địa bàn dịch thuộc cấp độ 4, vùng cách ly (phong tỏa).

Tỉnh An Giang yêu cầu người dân không ra đường trong khung giờ từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau.

Trước đó, ngày 22/10 An Giang công bố dịch cấp độ 2. Tuy nhiên thời gian gần đây số ca nhiễm liên tục tăng, hiện toàn tỉnh có 13.534 người nhiễm COVID-19.

Đồng Nai: Ngày 7/11, tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi trong 3 ngày

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hôm nay, 7/11, tỉnh đã triển khai đồng loạt tiêm vaccine cho trẻ em và dự kiến hoàn thành sau 3 ngày.

Địa điểm tiêm vắc xin cho trẻ tại các trường học, trung tâm đào tạo nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên.

Tỉnh Đồng Nai đã dành hơn 97,6 nghìn liều vaccine Pfizer để tiêm mũi 1 cho các nhóm đối tượng: Tất cả học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 tại các cơ sở giáo dục do Sở GD-ĐT quản lý, học sinh từ 16-17 tuổi tại Trung tâm đào tạo nghề, trẻ tại cơ sở bảo trợ xã hội do Sở LĐ-TBXH quản lý và khoảng 50% trẻ học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên do UBND các huyện, thành phố quản lý, chọn theo tiêu chí độ tuổi từ cao xuống thấp.

Cà Mau: Thành lập thêm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và trạm y tế lưu động

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 2.688 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó riêng ngày 6/11 ghi nhận 140 ca mắc mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Lâm Văn Bi yêu cầu ngành y tế tỉnh này nhanh chóng bổ sung, đầu tư trang thiết bị để đảm bảo 200 giường bệnh điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế Phú Tân. Đồng thời bắt tay thực hiện ngay trạm y tế lưu động.

Toàn tỉnh khẩn trương làm cuộc thống kê nhanh điều kiện về nhà ở để tiến hành cách ly F0 tại gia đình ở những khu vực có đông F0. Vệc điều trị F0 tại nhà phải trên tinh thần tự nguyện của bệnh nhân.

Ông Lâm Văn Bi cũng chỉ đạo, các huyện, thành phố khẩn trương xét nghiệm toàn dân, bố trí mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Xem thêm video được quan tâm:

Ngọc Anh (Tổng hợp)