Số doanh nghiệp giảm không phải là bất thường

Bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê).

Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã quay trở lại thời kỳ “bình thường cũ” kể từ đầu năm 2022, nhưng số lượng doanh nghiệp lại giảm đi. Bà lý giải thế nào về hiện tượng này?

Trên thực tế, kinh tế thế giới bị bào mòn sau 3 năm chống chịu đại dịch Covid-19, mà hậu quả đến nay vẫn còn “dư chấn”. Dễ thấy nhất là các nền kinh tế lớn phải thắt chặt tiền tệ, đẩy lãi suất lên cao nhất trong nhiều chục năm trở lại đây để chống lạm phát. Đến thời điểm này, dù lạm phát đã được đẩy lùi, nhưng chưa ngân hàng trung ương lớn nào giảm lãi suất vì vẫn lo lạm phát quay trở lại.

Hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như thời kỳ trước đại dịch, nhất là các thị trường lớn, đối tác lớn, đối tác truyền thống của Việt Nam.

Chưa kể, trước sự biến đổi tiêu cực của thiên nhiên, thời tiết, khí hậu, các nước có nền kinh tế phát triển đã đặt ra rất nhiều điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn hàng hóa theo hướng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, quy trình sản xuất, thông tin, yêu cầu chuyển đổi xanh, sản xuất hàng hóa thân thiện với môi trường. Điều này khiến hoạt động sản xuất của các nền kinh tế đi sau, đặc biệt những nền kinh tế có hoạt động xuất khẩu lớn như Việt Nam, chịu tác động không hề nhỏ.

Nhưng kể từ quý IV/2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của Việt Nam hồi phục khá mạnh, thưa bà?

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô chưa lớn, sức cạnh tranh và mức độ chống chịu còn hạn chế. Tất nhiên, trên thế giới, đa phần các nền kinh tế cũng tương tự Việt Nam, nhưng khác với các nước, độ mở kinh tế của nước ta vô cùng lớn, chúng ta sẵn sàng chơi sòng phẳng với tất cả các nền kinh tế bằng 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương, kể cả hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với rất nhiều ràng buộc phi truyền thống.

Trong cuộc chơi sòng phẳng với thế giới, khi 95% doanh nghiệp Việt là nhỏ và siêu nhỏ, lại đặt trong điều kiện kinh tế thế giới như tôi nói ở trên, thì hoạt động của doanh nghiệp khó khăn là đương nhiên.

Những khó khăn, vướng mắc, chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn như thủ tục hành chính còn rườm rà; các thị trường phát triển chưa đáp ứng nhu cầu, trong đó có thị trường vốn (hiện chủ yếu dựa vào ngành ngân hàng); chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mới ở bước đầu, trong khi đòi hỏi nguồn lực lớn; tổng cầu thế giới thu hẹp trong khi chưa khai thác hiệu quả thị trường trong nước; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.

Nói như vậy thì việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số gia nhập thị trường cũng là bình thường?

Doanh nghiệp gia nhập thị trường ít hơn số tạm ngừng, ngừng hoạt động không phải là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế phát triển bình thường, nhưng với nền kinh tế Việt Nam thì đây cũng không phải là hiện tượng bất thường, mà có tính chất quy luật.

Theo quan sát của Tổng cục Thống kê, thông thường trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chưa nhiều, do doanh nghiệp còn lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện và tình hình tài chính. Ngoài ra, trong quý I có Tết Nguyên đán, nên không chỉ người dân, mà cả doanh nghiệp cũng có tâm lý qua Tết mới triển khai hoạt động. Vì thế, số doanh nghiệp rút lui thường lớn hơn số gia nhập thị trường trong quý I.

Bà có thể phân tích kỹ hơn?

Nối tiếp đà tăng trưởng quý IV/2023, GDP quý I năm nay tăng 5,66% là tốc độ tăng cao nhất của quý I kể từ năm 2020, trong đó riêng khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 66% vào tốc độ tăng trưởng. Như vậy, có thể thấy, nền kinh tế nói chung, hoạt động của doanh nghiệp nói riêng, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng về tổng thể vẫn có nhiều tín hiệu tích cực.

Thứ nhất, đây không phải là lần đầu tiên trong quý I, số doanh nghiệp gia nhập thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, mà quý I/2023 cũng có tình trạng tương tự.

Thứ hai, trong quý I/2024 có 36.250 doanh nghiệp thành lập mới - cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây.

Thứ ba, hoạt động đăng ký kinh doanh có sự cải thiện tích cực, theo đó trong tháng 3, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 17.140 đơn vị, nhiều hơn số tạm thời hoặc rút lui khỏi thị trường là 10.530 đơn vị.

Thứ tư, trong gần 74.000 đơn vị rút lui khỏi thị trường quý I/2024, có đến 53.360 đơn vị chỉ tạm ngừng kinh doanh, tức là tạm nghỉ trong ngắn hạn (chiếm 72%). Chúng tôi cho rằng, số doanh nghiệp này đang tạm dừng để sắp xếp lại kế hoạch làm ăn nhằm thích ứng với tình hình mới.

Điểm đáng chú ý là, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ như nhà hàng, sửa chữa xe có động cơ, bán buôn, bán lẻ... và có thời gian hoạt động rất ngắn, chủ yếu dưới 5 năm.

Thưa bà, cần lưu ý thêm khía cạnh gì qua thực trạng doanh nghiệp những tháng đầu năm nay?

Quý I năm ngoái đã diễn ra hiện tượng này, nhưng ít hơn năm nay (quý I/2023 có 60.300 doanh nghiệp rời thị trường). Đây là điều phải suy nghĩ.

Điều phải suy nghĩ nữa là vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2017 - 2022, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là trên 10 tỷ đồng, thì 2 năm trở lại đây chỉ còn 9,2 tỷ đồng, nếu trừ đi lạm phát thì quy mô doanh nghiệp còn nhỏ hơn nữa.

Doanh nghiệp ngày càng nhỏ về quy mô, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu không có các giải pháp hữu hiệu thì doanh nghiệp Việt sẽ ngày một teo tóp.

Mạnh Bôn