Sở Xây dựng Quảng Ninh: Mục tiêu năm mới thắng lợi mới

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ với bạn đọc Báo điện tử Xây dựng những kết quả tiêu biểu trong năm 2023?

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Năm 2023, ngành Xây dựng ảng Ninh rất vinh dự và tự hào kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (18/11/1963 - 18/11/2023) đồng thời hưởng ứng các hoạt động 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023); Đảng ủy, Ban giám đốc, Công đoàn ngành, cán bộ công chức Sở Xây dựng Quảng Ninh đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:

Về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, Sở Xây dựng Quảng Ninh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch được tỉnh giao, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh năm qua. GRDP khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng trên 10%, cao hơn 1,33 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước; đóng góp 5,01 điểm % tăng trưởng GRDP. Trong đó, khu vực xây dựng ước tăng 13,1%, đóng góp 0,87 điểm % tăng trưởng GRDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 104.217 tỷ đồng, tăng 10,0% cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 65.370 tỷ đồng. Sản xuất xi măng đạt 3.995 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch, clinker đạt 5.100 nghìn tấn đạt 100% kế hoạch, gạch nung đạt 1.288 triệu viên đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đạt 97,3%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 69,4 %.

Về thể chế, Sở Xây dựng đã rà soát các quy định pháp luật liên quan về xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi một số văn bản quy định pháp luật quan trọng phù hợp thực tiễn như: (i) Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng; (ii) Quy định về xác định và quản lý chi phí đầu tư; (iii) Quy định về quản lý vật liệu xây dựng; (iv) Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của HĐND tỉnh thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến; (v) Bãi bỏ một phân quy định về bộ đơn giá bồi thường gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã phối hợp, nghiên cứu, đề xuất Bộ Xây dựng xây dựng và hoàn thiện thể chế lĩnh vực xây dựng như: Nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn; nghiên cứu sửa đổi Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

Về công tác quy hoạch tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành và tư vấn hoàn thành Hợp phần quy hoạch không gian, hệ thống đô thị - nông thôn tỉnh; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung tỉnh; quy hoạch hệ thống sân golf tỉnh... trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023; phê duyệt Kế hoạch triển khai tại Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 01/11/2023) đồng bộ với các Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đây là Quy hoạch tích hợp duy nhất, chất lượng; quy hoạch kế thừa các giá trị ưu điểm cốt lõi các quy hoạch giai đoạn trước, đồng thời định hướng, dẫn đường phát triển tỉnh Quảng Ninh thời gian tới, với những nội dung định hướng, tầm nhìn, mục tiêu dài hạn, phát triển xanh, phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh trên nền tảng hạ tầng mới...

Về công tác Quy hoạch xây dựng, năm 2023, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các ngành lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ Quy hoạch xây dựng (các đồ án QHXD vùng huyện, QHC, QHPK) với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh (QĐ số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023), QH sử dụng đất cảu các địa phương. Sở Xây dựng đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 12 đồ án QHXD vùng huyện, QHC đô thị; 19 nhiệm vụ QHPK. Kết quả 6/6 thị xã, thành phố, thị xã đã có QHC đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 7/7 thị trấn hoàn thành công tác lập QHC thị trấn; 6/7 huyện có QHXD vùng huyện được phê duyệt; triển khai lập, điều chỉnh 91 đồ án QHPK tỷ lệ 1/2000 (khu đô thị và khu chức năng). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 60%, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đạt 100%. Quy hoạch xây dựng hoàn thành và đồng bộ là cơ sở quan trọng để định hướng, thu hút và phân bổ các nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả đất đai, khai thác và phát huy giá trị hạ tầng, điều kiện tự nhiên, cảnh quan, di tích...thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới...;

Về phát triển đô thị, Sở Xây dựng hoàn thành lập, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 (UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 24/3/2023); trên cơ sở đó hướng dẫn các địa phương lập, trình duyệt Chương trình phát triển đô thị các địa phương; hướng dẫn thị xã Đông Triều lập, trình duyệt chương trình phát triển đô thị thị xã Đông Triều, đánh giá các tiêu chí đô thị, tiêu chí thành lập 4 phường, xây dựng đề án thành lập thành phố Đông Triều; hướng dẫn các địa phương triển khai hạ ngầm đô thị, nâng cao tỷ lệ xử lý nước thải tại các khu đô thị tập trung, chất lượng và tỷ lệ cung cấp nước đô thị, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị; hướng dẫn các địa phương thực hiện dịch vụ công ích đô thị... Các đô thị tỉnh Quảng Ninh đã và đang có tốc độ đô thị hóa cao, chất lượng đô thị dần được nâng lên; ngày càng khẳng định vai trò và vị thế, trở thành các đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Sở Xây dựng và UBND các địa phương đang tích cực đôn đốc triển khai các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế.

Về quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản (BĐS), Sở Xây dựng đã hoàn thành các đề án, kế hoạch: (i) Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Quyết định số 2031/QĐ-UBND ngày 21/7/2023); (ii) Kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023 (Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/5/2023); (iii) Sở Xây dựng và UBND các địa phương đang tích cực đôn đốc triển khai các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), công nhân ngành Than; nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; (iv) Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 21/6/2023 về triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023, đã cơ bản hoàn thành Dự án Nhà ở công nhân KCN Đông Mai, Nhà ở công nhân KCN Sông Khoai, xây dựng thô xong dự án nhà ở xã hội đồi Ngân hàng...; hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm; thị trường BĐS được kiểm soát chặt chẽ, dần ổn định.

Về công tác quản lý hoạt động xây dựng, kinh tế xây dựng, vật liệu xây dựng: Sở Xây dựng tập trung hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư; tổ chức định thiết kế cơ sở, sau thiết kế cơ sở đổi với các dự án, công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật đô thị... theo thẩm quyền đảm bảo tiến độ và chất lượng; Đã thẩm định TKCS, TMĐT: 146 hồ sơ, dự án; TK BVTC, dự toán: 24 hồ sơ, dự án; Cấp giấy phép xây dựng 15 giấy phép xây dựng; Thẩm định các Dự án sửa chữa các cơ sở y tế, giáo dục, cơ quan công sở triên địa bàn tỉnh. Mặt khác, đề xuất chủ trương đầu tư, triển khai đầu tư: (i) Điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; (ii) Chủ trương dự án đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc Công an xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - Giai đoạn 2; (iii) Cải tạo, xây mới trụ sở các Trạm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 (giai đoạn 1) và sửa chữa, cải tạo trụ sở Trung tâm kiểm nghiệm - Sở Y tế; (iv) Đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh - cơ sở 2 tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh; (v) Cải tạo, xây mới Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều. Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình như: Bệnh viện lão khoa và phục hồi chức năng, Trung tâm CDC, Bệnh viện Phổi, Trường THPT Cẩm Phả, Trường liên cấp THCS-THPT Bình Liêu, Quảng La... Năm 2023, công tác quản lý hoạt động xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ và chất lượng, góp phần thúc đẩy đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách.

Về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Thanh tra Sở Xây dựng đã triển khai 27 cuộc thanh tra theo Kế hoạch và đột xuất (16 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 11 cuộc thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh); 13 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất (1 cuộc theo kế hoạch, 12 cuộc đột xuất). Ban hành 14 kết luận thanh tra và 11 thông báo kết quả kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, khắc phục và chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, tồn tại hạn chế; đã thu hồi, nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra với số tiền: 324.371.600 đồng. Giảm trừ giá trị quyết toán A-B khi thẩm tra, phê duyệt quyết toán số tiền: 19.699.000 đồng. Giảm trừ giá trị thanh toán giai đoạn khi lập quyết toán A-B số tiền: 357.926.400 đồng. Ngoài ra, đôn đốc quản lý trật tự xây dựng tại địa phương tại 17 văn bản.

PV: Xin chúc mừng những thành tích ấn tượng mà Sở Xây dựng đạt được trong năm 2023, nhân dịp bước sang xuân mới năm 2024, ông có thể chia sẻ về một số nhiệm vụ trọng tâm?

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn: Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2020 – 2025). Dự báo kinh tế và thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng thị trường tài chính, nợ công tại nhiều quốc gia còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; cạnh tranh chiến lược, phân tách chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường… Trong tỉnh, bên cạnh thuận lợi, thời cơ cũng đan xen khó khăn, thách thức, tỉnh vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 và chủ đề công tác năm 2024 là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, Sở Xây dựng tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, hành động quyết liệt, hiệu quả, vượt khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chương trình công tác đề ra. Cụ thể: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội phấn đấu tăng 10% so với năm 2023; tỷ lệ đô thị hóa đạt 73%.

Về vật liệu xây dựng: Sản xuất xi măng đạt 3,995 triệu tấn; Clinker đạt 5,1 triệu tấn; Gạch nung đạt 1.288 triệu viên. Nhà ở, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 28,5m2 sàn/người; diện tích sàn xây dựng nhà ở hoàn thành 2.000.000m2 sàn. Môi trường, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98,3%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đô thị đạt 97,6%; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%; tỷ lệ thu gom xử lý nước thải tại các khu đô thị tập trung gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn… đạt 55%.

Sở Xây dựng (SXD) xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm:

(1) Đảng ủy, Ban Giám đốc SXD tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng đảng bộ, các Chi bộ, đảng viên SXD trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ, xây dựng cơ quan SXD liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan SXD có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đồng thời khuyến khích bảo vệ cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận Trung ương 4, 5, 6 khóa XIII, Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 26/01/2022 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(2) Tổ chức triển khai các đề án, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV; các Nghị quyết, quyết định, thông báo kết luận chỉ đạo của Tỉnh ủy (NQ20), HĐND (NQ176), UBND tỉnh (QĐ3838), Bộ Xây dựng... thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH tỉnh và chủ đề năm 2024; các Nghị quyết, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2020-2025; các đề án ngành Xây dựng đã được phê duyệt (phát triển đô thị tỉnh, hỗ trợ nhà ở người có công, cải tạo chung cư cũ xuống cấp, cấp nước nông thôn, nhà ở xã hội- nhà ở công nhân...).

(3) Rà soát và tham mưu hoàn thiện các quy định quản lý, hướng dẫn trên các lĩnh vực ngành xây dựng; tham mưu UBND Tỉnh chỉ đạo phân cấp triệt để, phù hợp với các quy định pháp luật và điều kiện thực tiễn các địa phương trên các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, hoạt động xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, thanh tra... giải phóng các điểm nghẽn, nút thắt; tăng tính chủ động các địa phương, các chủ thể.

(4) Hướng dẫn các địa phương triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung đô thị, khu kinh tế, khu chức năng; các đồ án quy hoạch phân khu đô thị - khu chức năng được duyệt; phối hợp Ban Quản lý KKT Quảng Ninh và UBND các địa phương lập, trình duyệt các quy hoạch: (i) quy hoạch chung KKT ven biển Quảng Yên; (ii) quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà; (iii) quy hoạch chung KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh; (iv) quy hoạch chung xây dựng các khu chức năng (Khu du lịch đảo Núi Cuống, các sân golf, các KCN, các khu du lịch, các khu thương mại....); (v) Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng, khu kinh tế; quy hoạch chung xã tại các địa phương...; (vi) Quy hoạch quỹ đất dự kiến 50.000 suất tái định cư toàn tỉnh đến năm 2030; (vii) Quy hoạch quỹ đất các thiết chế văn hóa – thể thao cấp tỉnh, huyện, xã, thôn.... đảm bảo các yêu cầu về tiến độ, chất lượng đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững lâu cho tỉnh.

(5) Chỉ đạo rà soát thủ tục hành chính (TTHC); tham mưu, thực hiện tốt cải cách TTHC, tinh giảm đầu mối, giảm thời gian xử lý; ưu tiên giải quyết các đề án, dự án, công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, dự án sản xuất, dịch vụ, tái định cư, nhà ở công nhân – nhà ở xã hội, đề án hỗ trợ nhà ở người có công; thiết chế văn hóa – thể thao các cấp, dự án xử lý môi trường (nước thải, rác thải, nghĩa trang), cung cấp nước sạch đô thị - nông thôn… góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, dịch vụ, phục vụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; các dự án thực hiện chủ đề năm 2024 của tỉnh; thực hiện nghiêm các TTHC tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; thẩm định, phê duyệt tại TTHC, tăng các dịch vụ công mức độ 3, 4; thực hiện các bộ chỉ số Sở, ban, ngành và của tỉnh 2023; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục liên quan các dự án, công trình trọng điểm ngoài ngân sách (sản xuất ngành Than, sản xuất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ, thương mại...); các dự án đầu tư công năm 2024 và giai đoạn 2020-2025 (bệnh viên đa khoa tỉnh, trung tâm ý tế thị xã Đông Triều, các trạm y tế xã, các trường học...); chuẩn bị kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2025-2030 (Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Nhà hát Hạ Long...).

(6) Cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo định kỳ, đặc biệt là các vật liệu xây dựng chủ yếu (xi măng, sắt, thép, cát, gạch, đá, sỏi...), đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND tỉnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu việc triển khai phương án sử dụng vật liệu san nền các dự án, công trình (đất đồi, đất đá thải mỏ, xỉ thải nhiệt điện, chất thải nạo vét sông…), quản lý Nhà nước về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quản lý Nhà nước về thoát nước đô thị, nghĩa trang, cây xanh...

(7) Chỉ đạo tăng cường trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các địa phương, cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư... thực hiện các trọng điểm về quy hoạch, hoạt động xây dựng, nhà ở - kinh doanh bất động sản, khoáng sản – vật liệu xây dựng, vật liệu san nền, định mức, đơn giá...; tăng cường, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các địa phương, các ngành liên quan trong quản lý xây dựng nói chung, trật tự xây dựng nói riêng; tập trung rà soát và kịp thời phát hiện, khắc phục các nội dung tồn tại, hạn chế, kiến nghị tại các thông báo các cấp ủy đảng, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...đã được chỉ ra, phát sinh trong công tác quản lý.

(8) Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục với các Sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, vật liệu xây dựng, kinh tế xây dựng...; lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn tăng cường khảo sát thực tế, làm việc trực tiếp, hướng dẫn trực tiếp các địa phương, các chủ đầu tư ngay từ bước lập đề xuất chủ trương đầu tư, lập quy hoạch, dự án, thiết kế... để nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, sau thiết kế cơ sở...; thường xuyên, định kỳ kiểm tra công tác nghiệm thu dự án, công trình trong quá trình thi công, kịp thời phát hiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Phong Cầm (thực hiện)