Sớm hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát của Hội đồng Nhân dân

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân

Tại Hội thảo “Thực tiễn cơ chế thực thi pháp luật hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân” do Ban Công tác đại biểu phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, các đại biểu cho rằng, giám sát là chức năng quan trọng của HĐND nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND ngày càng đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định sự đúng đắn, phù hợp của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP. Hồ Chí Minh Lê Xuân Viên phát biểu

Từ thực tiễn tại địa phương, Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP. Hồ Chí Minh Lê Xuân Viên nêu rõ, một số điểm mới trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giảm sát của HĐND, trong đó có các quy định về giám sát chuyên đề của HĐND giữa hai kỳ họp và tại các kỳ họp thường lệ của HĐND; giám sát của Thường trực HĐND với hình thức tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND… Đặc biệt, lần đầu tiên Luật đã quy định về hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND như trình tự, thủ tục tiến hành chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, việc thi hành pháp luật trên địa bàn đại biểu ứng cử, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

“Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã góp phần tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát của HĐND được thuận lợi, giữa các hình thức giám sát có sự bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời đã tác động tích cực đến các hoạt động khác của HĐND như chất lượng tổ chức các kỳ họp được nâng lên, nhất là trong các phiên họp giám sát, việc giữ mối liên hệ với cử tri và trách nhiệm đại biểu được tăng cường”, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP. Hồ Chí Minh nói.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Thường trực HĐND một số tỉnh, thành phố tham dự Hội thảo cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp như: việc giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít; việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát còn rất hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên; hoạt động giải trình tại các phiên họp của thường trực HĐND, các Ban của HĐND chưa nhiều, kết quả hoạt động chưa đồng đều…

ThS. Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định thẩm quyền giám sát của đại biểu HĐND khá cụ thể, tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận đại biểu chưa phát huy hết trách nhiệm, vai trò của mình. So với các nhiệm kỳ trước, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2016 - 2021 và 2021 - 2026 có tăng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc ngày càng cao của HĐND. Phần lớn đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị, nên điều kiện tham gia vào hoạt động giám sát gặp khó khăn, khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, có tâm lý nể nang, ngại va chạm, chưa tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu, nhất là trong hoạt động giám sát, chất vấn.

Liên quan đến hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì quyền đại diện của người dân trực tiếp thông qua đại biểu HĐND phường và HĐND quận không còn, thay vào đó được thực hiện thông qua các kênh khác. Tuy nhiên, số lượng đại biểu nói chung và ở các Tổ đại biểu nói riêng đa số đều hoạt động kiêm nhiệm, có một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của người dân ở đô thị, tổ chức giám sát của Tổ đại biểu ở các mô hình chính quyền đô thị…

Cần quy định rõ chế tài xử lý sau giám sát

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, chế tài xử lý sau giám sát chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là một trong những nguyên nhân khiến hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP. Hồ Chí Minh Lê Xuân Viên cho biết, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa quy định thời hạn cơ quan, cá nhân bị chất vấn có văn bản trả lời cụ thể những vấn đề đại biểu đặt ra khi chưa kịp trả lời tại kỳ họp. Luật cũng chưa quy định thời gian gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của HĐND về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp đến Thường trực HĐND để chuyển đến các đại biểu theo quy định tại khoản 7 Điều 60 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 89 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định “trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”. Nhưng, theo Phó Trưởng Ban Đô thị, HĐND TP. Hồ Chí Minh, việc xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý chưa được làm rõ về chế tài xử lý, cơ quan giám sát được thẩm quyền xử lý như thế nào…

ThS. Ngô Quyền, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai phát biểu

Để có chế tài xử lý sau giám sát cụ thể hơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Lào Cai Ngô Quyền đề nghị, cần nghiên bổ sung quy định về giá trị pháp lý của báo cáo giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND. Theo đó, báo cáo giám sát của HĐND sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với các đối tượng giám sát; là căn cứ để HĐND xem xét, đánh giá cơ quan tổ chức nhà nước hàng năm; là căn cứ quan trọng cho đại biểu HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Việc thực hiện Báo cáo giám sát cũng cần trở thành căn cứ để HĐND sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công…

Cho rằng các hạn chế trong thực hiện hoạt động giám sát của HĐND các cấp có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó có các quy định pháp luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu ễn Thị Thanh nhấn mạnh, để hoạt động giám sát của HĐND và hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thực sự hiệu lực, hiệu quả, góp phần làm cho hoạt động chính quyền địa phương công khai, minh bạch, có trách nhiệm thì các quy định của pháp luật về giám sát của HĐND phải sớm được hoàn thiện.

Bài và ảnh: Thanh Hải