Tâm điểm mới sau hai thảm kịch liên tiếp ở Hàn Quốc và Ấn Độ

Những người đưa tang đi ngang qua đài tưởng niệm nạn nhân tham kịch Itaewon tại tại Hall Plaza ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 31/10. Ảnh: Reuters.

Những thảm kịch liên tiếp với số nạn nhân thiệt mạng lớn ở Ấn Độ và Hàn Quốc đang dồn sự quan tâm vào vấn đề sức khỏe tầm thần.

Ít nhất 156 người thiệt mạng trong vụ đám đông dồn ép ở Itaewon tại Seoul, Hàn Quốc khi hàng loạt bạn trẻ đổ về khu phố đêm này để tận hưởng lễ Halloween sôi động hôm 29/10. Trong khi đó, ít nhất 141 người tử nạn ở bang Gujarat khi cầu treo quá tải bị sập xuống dòng sông Machchhu bên dưới, theo BBC.

Nhiều lo ngại nổi lên về việc chia sẻ ảnh và video bừa bãi có thể dẫn đến sự ảnh hưởng lớn hơn đến sức khỏe tinh thần của công chúng.

Giới chức trách đã kêu gọi mọi người ngừng lưu truyền những hình ảnh như vậy. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các hình ảnh lặp đi lặp lại có thể có tác động tiêu cực, chẳng hạn như gây ra cảm giác tội lỗi của nạn nhân. Họ kêu gọi cư dân mạng tránh lan truyền những hình ảnh như vậy hết mức có thể.

Tác động tinh thần kéo dài

Tiến sĩ Alison Holman, giáo sư khoa học tâm lý tại Đại học California Irvine (Mỹ), cho biết sau một thảm kịch, các thành viên gia đình của nạn nhân, nhân chứng, người sống sót và những người phản ứng đầu tiên ở hiện trường đều trải qua các triệu chứng căng thẳng hậu sang chấn về tinh thần và cảm xúc.

“Nhiều người sẽ có những triệu chứng như vậy và chúng sẽ biến mất trong một thời gian ngắn. Nhưng đối với một số người khác, những triệu chứng đó có thể kéo dài hơn”, tiến sĩ Holman nói với CNA.

“Khi bạn nhìn thấy điều gì đó ‘trực tiếp’ xảy ra như vậy, dù là ‘trực tiếp’ trải qua hay ‘trực tiếp’ qua phương tiện truyền thông, điều đó có thể gây nguy hại vì tất cả rất thực và nó phản ánh… cái chết của chính chúng ta”, bà Holman cho biết thêm.

Theo vị chuyên gia, mọi người bị ảnh hưởng tinh thần từ những sự việc như vậy dựa trên trải nghiệm sống của chính họ.

“Có lẽ ai đó từng nhiều lần đi lại trên cây cầu đó (cây cầu xảy ra thảm kịch ở Ấn Độ - PV) có thể cảm thấy tội lỗi hoặc hối hận vì cuối cùng họ đã không ở trên cây cầu lần đó, nhưng một người nào đó mà họ biết đã ở trên cầu và đã chết”, tiến sĩ Holman phân tích.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng việc vượt qua tâm lý trong những trường hợp như vậy không có một công thức chung cụ thể nào.

Tránh chia sẻ hình ảnh thảm kịch

Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, khó có thể tránh khỏi những hình ảnh và video được chia sẻ gần như ngay khi thảm kịch xảy ra. Tuy nhiên, chia sẻ chúng một cách bừa bãi sẽ gây ra những rủi ro đáng kể.

“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rất rõ ràng rằng bạn càng tiếp xúc với phương tiện truyền thông đưa tin về những sự kiện như vậy và càng tiếp xúc với những hình ảnh như vậy, thì bạn càng có nhiều khả năng mắc các triệu chứng căng thẳng hậu sang chấn”, tiến sĩ Holman cho hay.

Bà giải thích thêm: “Tôi đang nói về những trải nghiệm với sự kiện lặp đi lặp lại, có thể có những suy nghĩ khó chịu về nó hoặc cố gắng tránh bất cứ điều gì khiến bạn nhớ đến nó và cảm thấy quá phấn khích”.

Vị chuyên gia cho rằng các hãng truyền thông nên đặt cảnh báo trước những video hay hình ảnh như vậy để mọi người biết trước và có thể lựa chọn có muốn xem chúng hay không.

Nỗ lực cộng đồng

Theo tiến sĩ Holman, trong thời điểm xảy ra thảm kịch, điều quan trọng là cộng đồng phải cùng hỗ trợ nhau để hồi phục sau cú sốc.

“Hỗ trợ cho người khác không chỉ tốt cho họ mà còn tốt cho chính bạn. Sự gắn kết xã hội thực sự tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn, và cả cho sức khỏe thể chất”, bà nêu rõ.

“Điều đó cũng thực sự tốt cho việc xây dựng cộng đồng và có ý thức trách nhiệm xã hội để đảm bảo rằng đất nước và cộng đồng của bạn có thể vượt qua và tìm ra cách hàn gắn”.

Tiến sĩ Holman lưu ý rằng điều quan trọng là không nên hối thúc mọi người vượt qua ngay lập tức, thay vào đó hãy cho họ một không gian an toàn để nói về trải nghiệm của bản thân.

Giới chức trách cũng có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp các nguồn lực cho những người bị ảnh hưởng và các gia đình mất người thân trong thảm kịch, chẳng hạn như các biện pháp can thiệp sức khỏe tâm thần sớm, bà nói.

“Điều rất quan trọng cần nhớ là nếu ai đó không cảm thấy họ cần can thiệp sức khỏe tâm thần, bạn không nên ép buộc họ điều đó”, tiến sĩ Holman nói thêm.

Hai tình huống có thể dẫn tới thảm kịch chèn ép chết người và một số lưu ý cần thiết. Đồ họa: Straits Times. Việt hóa: Bảo Châu.

Người đàn ông leo tường tránh đám đông ở Itaewon Video ghi lại cảnh một người đàn ông đã bám vào tường ngoài của một cửa hàng khi ở trong đám đông tại Itaewon tối 29/10.

Bảo Châu