Tận dụng EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang EU

Gia tăng cơ hội tận dụng EVFTA

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan với tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) đạt xấp xỉ 100%. Trong năm 2022, tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào đạt trên 94.500 tấn. Kết quả này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính, đồng thời, các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của EVFTA và các chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm qua. Ảnh minh họa

Đơn cử, năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời được Bộ NN&PTNT lựa chọn là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường EU hưởng thuế suất 0% theo EVFTA. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo. Năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào EU, doanh thu tăng hơn 150% so với năm 2021. Ngay từ tháng 10/2022, Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, với kết quả như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU có thể đạt 100.000 tấn, con số cao nhất từ trước đến nay và vượt hạn ngạch của EVFTA. Lượng gạo tuy không lớn nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ và gạo có giá trị gia tăng cao của Việt Nam.

10 tháng năm 2023, kim ngạch trao đổi giữa Việt Nam và EU đạt 48,6% tỷ USD, giảm 7,41% so với cùng kỳ 2022; trong đó xuất khẩu đạt 36,3 tỷ USD, giảm 8,74% so với cùng kỳ 2022; nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, giảm 3,28% so với cùng kỳ 2022. Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU đạt 23,96 tỷ USD, giảm 11,32% so với cùng kỳ 2022.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), EU hiện là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu. Nếu như trước kia, hầu như doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân thì từ khi EVFTA có hiệu lực (thuế của cà phê rang xay hòa tan nhiều nước áp dụng lộ trình xuống 0 - 5%). Điều này là động lực cho các doanh nghiệp đầu tư cho chế biến sâu để nâng giá trị gia tăng của hạt cà phê. Đây cũng là định hướng lâu dài đối với ngành cà phê Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group Phan Minh Thông cho biết, EVFTA đã mang lại lợi ích lớn doanh nghiệp. Hiện nay, lượng hàng hóa mà Phúc Sinh xuất khẩu vào thị trường EU chiếm từ 45% - 55% tổng lượng hàng xuất khẩu, doanh thu khoảng 250 triệu USD. EU là một thị trường Phúc Sinh đặc biệt quan tâm và hiện đã có sản phẩm ở hầu hết 27 nước thành viên.

Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp

Nhận định cơ hội và dư địa tận dụng EVFTA là rất lớn, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa tư duy định vị vào thị trường EU, các địa phương cần có định hướng rõ ràng về ngành hàng và thị trường trọng điểm cho các doanh nghiệp. Cùng với quan tâm công tác tuyên tuyền, các chính sách hỗ trợ cũng cần cụ thể hơn và quyết liệt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan của EVFTA. Ảnh minh họa

Đề cập về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp lâu dài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng liên quan xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trong đó có EVFTA.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều buổi tọa đàm để trao đổi với các cơ quan quản lý của các địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp theo từng ngành hàng trọng điểm của từng địa phương để trao đổi hai chiều. Một mặt cập nhật các quy định và định hướng mới trong việc tận dụng FTA, mặt khác lắng nghe chia sẻ từ các doanh nghiệp, ngành hàng để xây dựng các ngành xuất khẩu chủ lực bền vững cũng như liên kết giữa các địa phương có cùng ngành hàng.

Khuyến cáo doanh nghiệp về nhóm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý, hiện nay, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU.

Nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, doanh nghiệp Việt cần đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động.

“Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu” – bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Ánh Ngọc