Thông điệp Liên minh châu Âu: Ukraine và hơn thế nữa

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trình bày Thông điệp EU trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp ngày 14/9. (Nguồn: Reuters)

Có lẽ, không khó hình dung chủ đề chính của Thông điệp Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/9 tại Strasbourg, Pháp khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bước lên bục với trang phục màu vàng và xanh nước biển, tông màu chủ đạo trong lá cờ của EU và đặc biệt, Ukraine.

Xung đột Nga-Ukraine là chủ đề xuyên suốt, song không phải là điểm nhấn duy nhất trong phát biểu gần 1 tiếng của lãnh đạo EC.

“Không thể lay chuyển”

Mở đầu bài phát biểu tại khán phòng có sự hiện diện của Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska, Chủ tịch EC một lần nữa khẳng định cam kết “không thể lay chuyển” với Ukraine.

Quan chức châu Âu cho biết, tính đến nay, EU đã viện trợ tài chính cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky 19 tỷ Euro, chưa tính các viện trợ quân sự về trang thiết bị, khí tài.

Thời gian tới, EU sẽ cung cấp 100 triệu Euro để triển khai dự án xây dựng lại các trường học. Đồng thời, khối sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác với Ukraine, thể hiện rõ nét như hợp tác trong lĩnh vực cung cấp điện năng, cũng như giúp Kiev tiếp cận thị trường chung châu Âu.

Đáng chú ý, dù nhấn mạnh EU đã sát cánh, hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine từ những ngày đầu, đồng thời cam kết đồng hành với Kiev trong tái thiết thời hậu chiến và hội nhập EU, song bà Ursula von der Leyen lại không đưa ra cam kết cụ thể nào về viện trợ quân sự cho Kiev thời gian tới.

Trước đó, Ukraine đã nhiều lần yêu cầu các nước EU cung cấp thêm vũ khí sát thương. Tuy nhiên, một số nước, bao gồm Đức, cho biết đã “tới giới hạn” và phải tìm cách khác.

Mỹ và các nước EU cũng tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng cung cấp máy bay chiến đấu của NATO cho quân đội Ukraine, quan ngại về thời gian đào tạo phi công, bảo dưỡng vũ khí và có thể khiến xung đột leo thang.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết các nỗ lực cấp vũ khí của nước này cho Ukraine đã tới giới hạn và Berlin đã từ chối cấp xe tăng Leopard 2 (ảnh) cho Kiev. (Nguồn: Bundeswehr)

Thách thức và đe dọa

Về rào cản, trong bài phát biểu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã sử dụng những từ mạnh nhất để chỉ trích Moscow, qua đó coi Nga là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh của châu Âu.

Nhà lãnh đạo EU tuyên bố Moscow sẽ thất bại trong cuộc chiến “với nền năng lượng, nền kinh tế, hệ giá trị và tương lai châu Âu”.

Quan chức này khẳng định, nền kinh tế Nga, với hệ thống tài chính đang “hấp hối”, các công ty tài chính rút khỏi thị trường, sản lượng ô tô giảm, thiếu nguyên liệu và chất bán dẫn là “cái giá phải trả cho con đường hủy diệt và chết chóc”.

Trong khi đó, bài phát biểu của bà chỉ có hai lần nhắc tới Trung Quốc: một lần là về vị thế của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp đất hiếm, lấy đó làm cơ sở để quan chức châu Âu công bố Đạo luật về Tài nguyên thô then chốt của châu Âu, nhằm tăng cường tính tự chủ của khối trong lĩnh vực này.

Lần còn lại là khi bà Leyen nhắc nhở về nguy cơ thông tin giả, với ví dụ về các doanh nghiệp, cá nhân Trung Quốc đổ tiền tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu tại châu Âu, trong đó có một trung tâm nghiên cứu độc lập tại Đại học Amsterdam (Hà Lan).

Như vậy, với nhà lãnh đạo châu Âu, Nga là nguy cơ hàng đầu và trực tiếp ngay trước mắt. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu đặt ra các thách thức về dài hạn.

Như vậy, với nhà lãnh đạo châu Âu, Nga là nguy cơ hàng đầu và trực tiếp ngay trước mắt. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu đặt ra các thách thức về dài hạn.

Chuyển mình có thành công?

Quan trọng hơn cả, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh, EU đã và sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ để đứng vững trước những thách thức.

Đó là tăng cường tự chủ năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Bà Leyen cũng nêu đề xuất cải tổ triệt để ngành điện, ghim doanh thu của các hãng điện, đánh thuế các hãng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng khoản tiền thu về, dự kiến lên tới 140 tỷ Euro để hạ giá năng lượng và hỗ trợ người dân.

Về kinh tế, quan chức này cho biết, trong kế hoạch NextGenerationEU, khối đã phân bổ 100/800 tỷ Euro cho các nước thành viên để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bà cũng đề cập nhiều sáng kiến như BEFIT – gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng bộ quy tắc về thuế chung cho châu Âu; SURE – bảo đảm quyền lợi người lao động sau khi công ty phá sản; REPowerEU – dự án tự chủ năng lượng cho châu Âu; Đạo luật về Tài nguyên thô then chốt – tự chủ nguyên liệu hiếm hay Quỹ Ủy thác châu Âu nhằm củng cố nền công nghiệp của khối.

Bà Leyen cũng nhắc tới Cộng đồng Chính trị châu Âu, với sự tham dự của các nước ngoài EU. Đặc biệt, nhà lãnh đạo EC cho biết, khối có thể tổ chức một hội nghị châu Âu, nơi quan chức EU và các nước thành viên đóng góp ý kiến về cải tổ, xây dung một liên minh vững mạnh hơn.

Tuyên bố này của bà Ursula von der Leyen đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu (EP).

Tuy nhiên, nói dễ nhưng làm khó. Mọi kế hoạch, đề xuất của bà Leyen đều yêu cầu nguồn lực và cam kết mạnh mẽ của EU, trong bối cảnh châu Âu đối mặt khó khăn chưa từng có sau Thế chiến II.

Khi lửa tắt, vàng có hiện? Câu trả lời nằm trong tay nước thành viên EU.

Minh Quân