Tạo đột phá thu hút FDI

Ảnh: minh họa

Năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục (36,6 tỷ USD); đồng thời vốn giải ngân cũng đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay (23,18 tỷ USD). Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn với sự có mặt của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia, trong đó có những tên tuổi hàng đầu thế giới như: Samsung, , Toyota, Intel, Foxconn... Qua đó, đưa nước ta từng bước tham gia vào mạng giá trị và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Các chuyên gia khẳng định, bước chuyển cả về chất và lượng trong thu hút FDI phản ánh những nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao của các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các tập đoàn hàng đầu trong các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, AI, hydrogen... Từ đó, tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, ộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn đã giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, việc áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng từ năm 2024 cũng gây áp lực cho Việt Nam trong việc đón bắt cơ hội của dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Những hình thức ưu đãi truyền thống (thuế, đất đai...) sẽ không còn là lợi thế trong cạnh tranh thu hút đầu tư.

Giải pháp tất yếu mà Việt Nam phải nỗ lực tối đa để thực hiện là không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài. Trong đó, thủ tục hành chính sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như: đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan... cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực vẫn còn là những yêu cầu bức thiết, cần sớm tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Cùng với đó, để dòng vốn này mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất, Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi tương xứng để thu hút đầu tư vào các ngành cần ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất hàng loạt biện pháp hỗ trợ đầu tư hấp dẫn trong Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đang được đưa ra lấy ý kiến công luận. Dự thảo nghị định này được xây dựng đồng thời với Dự thảo Báo cáo rà soát tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Theo đó, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư chưa từng có tiền lệ sẽ được Việt Nam áp dụng, bao gồm cả việc hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động, như hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao...

Rõ ràng, quyết tâm ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cho phù hợp tình hình mới là bước đi quan trọng và cần thiết, để chúng ta có thể đón được các nhà đầu tư chiến lược mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định, lâu dài ở Việt Nam.

Thanh Thảo