Tạo 'lá chắn' an toàn để học sinh đến trường

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các em học sinh ở Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Sẵn sàng triển khai

Tính đến nay, ngoài TP Hồ Chí Minh, đã có một số tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12 - 17 tuổi, như: Bình Dương, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Sóc Trăng…

Tại TP Hồ Chí Minh, đến cuối ngày 2/11, sau 6 ngày triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12-17 tuổi, thành phố đã tiêm cho 531.998 người, gồm 212.372 người từ 16-17 tuổi và 319.626 người từ 12-15 tuổi, trong đó có 51 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Tất cả những trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm đều được xử lý kịp thời.

Tại Ninh Bình, tính đến ngày 31/10, hầu hết các điểm tiêm trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đồng loạt học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi đang học tại các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm chủng. Đã có trên 32.000 học sinh và học viên được tiêm an toàn.

Với đối tượng là học sinh không đủ điều kiện tiêm, như có bệnh lý nền, tiền sử dị ứng... được tổng hợp về trung tâm y tế trên địa bàn để triển khai khám sàng lọc và tiêm sau khi kết thúc chiến dịch. Chỉ sau 2 ngày, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine cho học sinh bậc THPT.

Từ ngày 1/11, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, với số lượng gần 31.600 em.

Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã lên kế hoạch, rà soát các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để sẵn sàng các phương án tiêm chủng khi được phân bổ vaccine.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12- 17 tuổi được tổ chức theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với người ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ”.

Theo đó, việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp…

Ngành y tế cũng đã đề nghị ngành giáo dục các địa phương lưu ý các điểm tiêm tại nhà trường tuân thủ theo đúng các hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế liên quan đến tiêm chủng.

An toàn để học sinh trở lại trường học

Khi dịch COVID-19 đã lan ra cộng đồng, khi chấp nhận tỷ lệ mắc tương đối trong cộng đồng, việc bao phủ được vaccine là rất quan trọng. Có như vậy, các hoạt động khác mới có thể bình thường, cũng như trẻ được đi học bình thường.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Điều kiện học tập của Việt Nam khác với nhiều nước, phần lớn quy mô lớp học đều rất đông. Điều kiện lớp học đông trẻ, chỗ chơi không có, nên khi trẻ đến trường, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, thậm chí có thể xảy ra các ổ dịch lớn. Hơn nữa trẻ thường rất hiếu động, khó tuân thủ giãn cách, đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc, chơi với nhau.

Theo đó, mặc dù phần lớn trẻ em khi mắc COVID-19 có tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn người lớn, nhưng nếu xảy ra tình huống dịch lan rộng, nhiều trường có dịch, thì lúc đó sẽ nguy hiểm tới các trẻ có bệnh nền, nhất là những trẻ béo phì, thừa cân. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì hiện khá cao, nhất là ở các thành phố lớn. Những trẻ béo phì, thừa cân, trẻ có bệnh nền như: Hen, tim bẩm sinh… nếu mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ bị nặng.

“Việt Nam đang triển khai rất thận trọng, khi tiêm cho người từ 15 tuổi- 18 trước; sau đó tiếp tục hạ dần độ tuổi. Vaccine đã chọn là vaccine đã được phê duyệt, sử dụng công nghệ mRNA được cho là an toàn. Quy trình khám sàng lọc trước tiêm ở trẻ chặt chẽ hơn nhiều so với người lớn. Cho nên các gia đình, cha mẹ yên tâm cho con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho con nếu con đủ điều kiện tiêm chủng. Việc tiêm chủng cho trẻ là cần thiết, điều quan trọng là chúng ta phải tổ chức như thế nào với số lượng rất đông. Phải có biện pháp phù hợp để tiêm cho trẻ thật an toàn”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Theo chuyên gia, trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm, kể cả việc xảy ra phản ứng cũng không giống như với người lớn, chúng ta chưa dự đoán được hết. Tuy nhiên, hiện đã có những kinh nghiệm triển khai tiêm cho trẻ em từ các nước, nên việc triển khai cần bám theo các quy định, chuyên môn đã được Bộ Y tế hướng dẫn.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng đối tượng dưới 18 tuổi là phải đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm chủng tại các địa phương đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả; đồng thời, Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức