Thách thức và giải pháp để phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường

Sáng 8/5 tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam và Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp, năng lượng phát thải carbon thấp - cơ hội và thách thức”.

Hội thảo “Phát triển công nghiệp, năng lượng phát thải carbon thấp - Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức.

Buổi hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ông Ngô Đức Thanh – Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương. Bà Nguyễn Thanh Ngân - Phó Trưởng ban Đầu tư và Phát triển Tập đoàn Dệt May Việt Nam. TS Trịnh Quốc Dũng - Khoa Năng lượng Nhiệt, Trường Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nhiều chuyên gia và các đơn vị thông tấn báo chí.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Đức Thanh – Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho hay:“Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các bon thấp là xu hướng chủ đạo hiện nay trên toàn cầu. Thế giới đang có bước chuyển căn bản sang nền kinh tế carbon thấp, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, thích ứng với BĐKH. Công nghiệp carbon thấp trở thành nhân tố quan trọng của quá trình chuyển đổi, đóng góp quan trọng nhất trong việc giảm lượng phát thải cacbon của các quốc gia và trên thế giới.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế xanh.

Theo ông Thanh, Việt Nam cùng nỗ lực với cộng đồng quốc tế để đạt một mục tiêu khí hậu chung, hướng đến nền kinh tế carbon thấp và không thải ra khí carbon được xem là giải pháp tối ưu nhất để phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường.

Ông Thanh chỉ ra, Việt Nam có tốc độ phát thải nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với cường độ carbon đạt 502,1 triệu tấn CO2 quy đổi vào năm 2020 và 888,8 triệu tấn CO2 vào năm 2030 (tăng 51% so với giai đoạn 2004-2014).

Tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính (KNK) của Việt Nam đã cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực, như: Malaysia, Indonesia, Trung Quốc - nơi được coi là có tốc độ tăng trưởng phát thải nhanh nhất thế giới. (PwC Việt Nam) tổng hợp số liệu phát thải carbon năm 2022 của toàn cầu và khu vực Châu Á Thái Bình Dương:

Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cùng 5 nền kinh tế (New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam) đã vượt mốc giảm phát thải carbon theo mục tiêu đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), có mức giảm về hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch (VN: 6,5%, Pakistan: 15%,Singapore: 10,8%, New Zealand: 8,5%, Hàn Quốc: 4,4%).

Từ đó ông Thanh cho rằng, nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi theo hướng tăng trưởng sạch hơn và ít sử dụng carbon hơn. Nhu cầu về các sản phẩm carbon thấp dự kiến sẽ tăng ở mức 11%/năm, giai đoạn 2020-2050, và có thể tăng tốc khi thế giới bước vào mô hình không carbon.

Một số giải pháp được ông Thanh đưa ra nhằm giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp là: Đối với Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ: tín dụng, ưu đãi thuế khuyến khíchcác doanh nghiệp ngành CNMT, DNSXCN đầu tư áp dụng công nghệ trong SX phát thải carbon thấp, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng...

Có chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghệ, thiết bị ngành công nghiệp môi trường, giảm phát thải carbon. Hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng. Áp dụng, phát triển mô hình KTTH, sinh thái trong các khu/cụm công nghiệp.

Tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp, có giải pháp chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Đối với doanh nghiệp, cần thay đổi nguyên liệu và quy trình sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, phát triển và áp dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS/CCUS). Đầu tư, áp dung công nghệ mới giảm phát thải, KTTH trong sản xuất, trồng rừng (một ha rừng có thể hấp thụ trung bình 6 tấn CO2 mỗi năm).

Xuân Tùng