Thêm một hệ thống phòng không phương Tây thành nạn nhân của UAV Lancet

Tiếp tục là một đòn nặng nề nữa đối với Quân đội Ukraine (AFU), khi một đoạn video gần đây quay cảnh một đài radar Skyguard cùng bệ phóng tên lửa của hệ thống phòng không Skyguard/Aspide của Ukraine, đã bị UAV tự sát Lancet của Nga phá hủy. Đáng chú ý đây là hệ thống phòng không Skyguard/Aspide độc nhất của Italy, viện trợ cho Ukraine.

Trên một Tweet của trang “Công cụ theo dõi vũ khí Ukraine” viết, “Một đài radar của hệ thống phòng không Skyguard Aspide và bệ phóng tên lửa đã bị phá hủy bởi UAV tự sát Lancet của Nga gần khu vực Muzykivka, tỉnh Kherson. Hệ thống này ban đầu được chuyển giao bởi Italy chứ không phải bởi Tây Ban Nha như đã được tuyên bố rộng rãi trước đó”.

Từ đoạn video được lan truyền rộng rãi, các nhà quan sát quân sự nhận ra loại vũ khí lảng vảng của Nga là UAV tự sát Lancet, nhờ thiết kế cánh hình chữ thập đặc trưng của nó.

Trong một đoạn video được quay từ một máy bay không người lái khác của Nga cho thấy, các thành phần khác nhau của hệ thống phòng không Skyguard Aspide được bố trí trong một khu vực rộng lớn và đài radar kiêm điều khiển đặt giữa cánh đồng thoáng đãng.

Trong đoạn đầu của video, đầu tiên UAV trinh sát của Nga phát hiện ra một nhóm binh sĩ đang đi dọc theo cánh đồng, trước khi xác định vị trí đài radar nằm ở một khu vực khác của cánh đồng. Đòn tấn công trực tiếp của UAV Lancet vào đài radar, khiến một quầng lửa và khói bụi bốc lên và đoạn video được quay từ một UAV trinh sát khác.

Quân đội Nga đã sử dụng rộng rãi các loại UAV tự sát Lancet để tấn công các đài radar và hệ thống phòng không của Ukraine được triển khai dọc theo chiến tuyến. Trong cuộc tấn công vào hệ thống phòng không Skyguard Aspide, việc phá hủy đài radar kiêm điều khiển và bệ phóng, khiến hệ thống Skyguard Aspide của Ukraine trở thành đống sắt vụn.

Hệ thống phòng không Skyguard đầu tiên do công ty Swiss Oerlikon Contraves Defense, sau đó được gọi là Rheinmetall Air Defense AG, của Thụy Sĩ phát triển vào thập niên 1960, có nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu cố định có giá trị cao như sân bay, cầu, cơ sở công nghiệp hay sở chỉ huy…

Phiên bản Skyguard 3 gồm một trạm điều khiển hỏa lực + radar trinh sát phát hiện mục tiêu; cung cấp phần tử bắn cho các vũ khí hỏa lực gồm bệ phóng tên lửa đất đối không, pháo phòng không nòng đôi 35mm Oerlikon GDF007 và nòng đơn Oerlikon Mk2.

Skyguard có khả năng phòng không điểm và khu vực hiệu quả, chống lại tất cả các mối đe dọa trên không như tên lửa hành trình và tên lửa tốc độ cao với tiết diện radar nhỏ, cũng như các cuộc tấn công từ máy bay tầm trung và tầm thấp, trực thăng và phương tiện bay không người lái (UAV) có thể bay ở mọi độ cao và trong mọi thời tiết. Hơn nữa, hệ thống này có tính cơ động cao và đơn giản để triển khai và sử dụng.

Theo nhà sản xuất, Skyguard kết hợp độ chính xác và tốc độ bắn cao của hai khẩu pháo, có thể bắn tới 1.100 viên đạn mỗi phút. Với khả năng phát hiện mục tiêu tiên tiến của đài radar trinh sát và hệ thống quan sát quang điện, cùng máy tính điều khiển hỏa lực, cho xác suất bắn hạ mục tiêu cao.

Mặt khác, hệ thống Skyguard được kết hợp với hệ thống tên lửa đất đối không Aspide của Italy, được sản xuất lần đầu tiên vào những năm 1970 bởi công ty Selenia, một chi nhánh của Leonardo, thành viên của tập đoàn tên lửa châu Âu MBDA. Tên lửa Aspide được phát triển dựa trên tên lửa không đối không tầm trung AIM-7E Sparrow của Mỹ.

Theo nhà phân tích quân sự Mahmoud Gamal viết trên Twitter: "Hệ thống phòng không Skyguard Aspide bao gồm đài radar + đài điều khiển, bệ phóng tên lửa Aspide (4 đạn tên lửa) và 2 khẩu pháo 35 mm nòng đôi Oerlikon GDF-005.

Tên lửa Aspide có thể đánh chặn các mục tiêu trong phạm vi bán kính 25 km, trong khi phạm vi phát hiện và theo dõi mục tiêu của đài radar Skyguard lên tới 60 km. Ngay cả với các mục tiêu có tốc độ cao, xác suất tiêu diệt vẫn rất cao. Tên lửa Aspide có thể đồng thời tấn công tới 4 mục tiêu cùng lúc.

Trạm điều khiển cho hệ thống phòng không Skyguard/Aspide được đặt trong một cabin duy nhất được gắn vào một xe kéo hai trục, gồm một radar theo dõi với phạm vi khoảng 15 km và một radar trinh sát phát hiện mục tiêu hoạt động ở băng tần Z, có khả năng phát hiện mục tiêu lên tới 60 km. Bên trong trạm là máy tính và thiết bị video.

Nhưng bất chấp khả năng tiên tiến của Skyguard Aspide và các hệ thống phòng không khác của phương Tây do các nước NATO chuyển giao cho Ukraine, chúng luôn là mục tiêu dễ dàng cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tự sát của Nga.

Trớ trêu thay, các hệ thống phòng không như Skyguard Aspide được quân đội Ukraine bố trí để chống lại các cuộc tấn công từ trên không, lại thường bị tấn công bởi những UAV tấn công tự sát của Nga như Lancet và Geran-2.

Hiện tại, UAV tự sát Lancet của Nga triển khai trên không vực chiến tuyến, trở thành “vũ khí khó trị” đối với quân đội Ukraine. Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi bắn hạ ít nhất một hoặc hai chiếc Lancet này… nhưng thật không may, đó không phải là tỷ lệ đánh chặn 100%”.

Quân đội Nga ở khu vực chiến tuyến, hiện phụ thuộc rất nhiều vào các loại vũ khí chính xác như UAV tự sát Lancet, loại vũ khí tấn công đặc biệt hiệu quả trước pháo binh, phương tiện chiến đấu và hệ thống phòng không của Ukraine.

Hệ thống Skyguard Aspide bị tấn công gần đây, chỉ là loại vũ khí phương Tây tiếp theo, trong danh sách là “nạn nhân” của UAV tự sát Lancet; khi cuộc tấn công bằng UAV tự sát của Nga vào Ukraine tiếp tục không suy giảm.

Video về UAV tự sát Lancet của Nga tấn công hệ thống phòng không Skyguard Aspide duy nhất của Ukraine. Nguồn Twitter

Tiến Minh (theo Eurasiantimes)