Thị trường lao động khởi sắc

Ảnh: minh họa

Thực tế, thị trường lao động Việt Nam từ đầu năm có sự tiến triển khi nhiều DN có đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và các dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Cụ thể, ngay trong tháng 1/2024, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng vào khoảng 30.000-40.000 người và có thể lên đến 100.000 người trong cả quý I/2024. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực năm 2024 của thành phố dự kiến cần khoảng từ 300.000 - 320.000 nhân lực, trong đó, quý I cần khoảng 77.500 - 86.000 người.

Đáng chú ý, một số DN cắt giảm nhiều lao động trong thời gian qua cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại. Đây là những tín hiệu cho thấy các chỉ số tăng trưởng kinh tế của cả nước tác động tích cực đến thị trường lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu, toàn ngành hoàn thành 3 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao trong năm 2024. Đó là duy trì tỉ lệ thất nghiệp dưới 4%; lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó, lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp 28%; giảm nghèo đạt chuẩn đa chiều trên 1%.

Theo các chuyên gia, đến hết năm 2023, cả nước có 52,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%; trong đó, lao động có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683.000 người so với năm trước. Tuy lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng, khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức năm 2023 chiếm đến 64,9%.

Chính vì thế, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành lao động cần tập trung xây dựng thị trường lao động ổn định, linh hoạt, đa chiều, phát triển bền vững; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng năng suất lao động, nhất là các ngành đặc biệt như: chip, bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon...

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại ngay từ đầu năm đã tạo ra những hy vọng tươi sáng cho bức tranh lao động, việc làm. Đặc biệt, tổng nhu cầu nhân lực 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược - nhựa - cao su khá cao; các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin, bán lẻ cũng sẽ tuyển dụng nhiều lao động hơn so với các ngành khác.

Đáng chú ý, những việc làm mới liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề như: công nghệ thông tin - viễn thông, xây dựng, bất động sản, ngân hàng, giáo dục, dịch vụ tài chính - tư vấn, dịch vụ bảo hiểm...

Các vị trí công việc mới cũng đòi hỏi người lao động cần liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của nhà tuyển dụng, chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi...

Thiết nghĩ, để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình kinh tế, thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới, người lao động cần nắm bắt các xu hướng việc làm mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao độngvà tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường tuyển dụng đòi hỏi ngày một cao.

Hoàng Lâm