Thị trường tài chính 24h: Cơ hội tích lũy cổ phiếu cho các nhà đầu tư sẵn tiền mặt

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 19/10 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm 300.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,00 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 2,9 USD lên mức 1.652,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về dưới 1.640 USD, trước bật trở lại về gần mốc này vào cuối giờ chiều.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 112,44 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.663 đồng/USD, tăng 26 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.350 – 24.630 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co và giảm nhẹ về 19.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này và hiện giảm về gần 19.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,08 USD (+1,30%), lên 83,90 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,70 USD (+0,78%), lên 90,73 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ về gần 1.060 điểm

Trong phiên sáng, VN-Index đã sớm nới đà giảm xuống thử thách ngưỡng 1.055 điểm khi lực bán vừa chớm gia tăng. Tuy nhiên, lệnh bán tháo không diễn ra nên đà giảm của thị trường được chặn lại, chốt 1.055 điểm vẫn được giữ vững.

Bước vào phiên chiều, diễn biến thị trường vẫn diễn ra chậm khi dòng tiền gần như mất hút, VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.050-1.060 điểm cho đến khi kết phiên.

Việc thanh khoản sụt giảm mạnh, ngay cả là khi nhiều mã xuống thấp, lực cầu bắt đáy không tham gia cho thấy sự thận trọng của dòng tiền. Đây sẽ là lực cản cho pha tăng mới của thị trường.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9,83 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 52,68 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 19/10: VN-Index giảm 3,59 điểm (-0,34%), xuống 1.060,07 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm (-0,53%), xuống 227,9 điểm; UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,44%), lên 80,67 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Ba (18/10), nhờ kết quả kinh doanh hàng quý vững chắc từ Goldman Sachs và Lockheed Martin.

Cổ phiếu Goldman Sachs đã tăng 2,33%, sau khi báo cáo lợi nhuận quý vừa qua với doanh thu và lợi nhuận cùng vượt kỳ vọng.

Trong khi đó, cổ phiếu Lockheed Martin đã tăng 8,69% sau khi nhà sản xuất vũ khí công bố doanh thu quý III mạnh hơn dự kiến và duy trì dự báo doanh thu năm 2022.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow Jones tăng 337,98 điểm (+1,12%), lên 30.523,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,03 điểm (+1,14%), lên 3.719,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 96,60 điểm (+0,90%), lên 10.772,40 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng theo chân Phố Wall đêm qua, sau báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Mỹ tăng tích cực.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,37% lên 27,257,38 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,19% lên 1.905,06 điểm.

Cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trên Nikkei 225 là SoftBank Group, tăng 3,72% và Fast Retailing Co Ltd, một công ty đóng góp lớn khác cho chỉ số, tăng 1,13%.

Đáng chú ý khác là Credit Saison Co Ltd giảm 7,07%, sau khi có thông tin rằng City Index Eleventh, một quỹ được hỗ trợ bởi nhà đầu tư hoạt động Yoshiaki Murakami, đã giảm tỷ lệ nắm giữ trong Công ty từ 5,06% xuống 3,98%.

Cổ phiếu của một số nhà cung cấp linh kiện cho Apple là Murata Manufacturing Co Ltd, Ibiden Co Ltd và TDK Corp đều giảm ,sau một báo cáo rằng, Apple đang cắt giảm đơn đặt hàng iPhone 14 Plus vài tuần sau khi mẫu điện thoại mới này được bán ra thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc giảm điểm, do các nhà đầu tư thận trọng trong kỳ họp của Đại hội Đảng Cộng sản của nước này, ngay cả khi một loạt các quỹ lớn được nhà nước hậu thuẫn đã công bố các biện pháp để ổn định thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,19% xuống 3.044,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,61% xuống 3.776,53 điểm.

Ít nhất 21 công ty quản lý tài sản lớn trên Đại lục của Trung Quốc bao gồm E Fund Management Co, Invesco Great Wall Fund Management và Bank of Communications Schroder Fund Management cho biết, họ đang đầu tư tiền của riêng mình để mua các sản phẩm nhằm ổn định niềm tin trên thị trường vốn.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi lãnh đạo mới thành phố có bài phát biểu chính sách đầu tiên với việc thông báo các biện pháp kích thích kinh tế không thể thúc đẩy tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,38% xuống 16.511,28 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,75% xuống 5.597,79 điểm.

Các công ty công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 4,2% đã gây lực cản lớn nhất đến thị trường.

Trưởng Đặc khu Thành phố John Lee đã công bố các sáng kiến nhằm thu hút nhân tài và đầu tư vào Thành phố trong bài phát biểu chính sách đầu tiên của mình.

Chẳng hạn như người nước ngoài mua bất động sản tại Hồng Kông sẽ được hoàn thuế trước bạ bổ sung áp dụng đối với người mua bất động sản không phải thường trú nhân nếu họ có thời gian lưu trú ở thành phố này trong bảy năm.

Cổ phiếu bất động sản tăng nhẹ nhưng đóng cửa giảm 1,6%, do chính sách không đề cập đến các chương trình kích thích ngắn hạn.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều giảm, do ảnh hưởng từ việc đồng USD mạnh lên.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 12,51 điểm, tương đương 0,56% xuống 2.237,44 điểm, sau khi có thời điểm tăng 0,75%.

“Thị trường đảo chiều chủ yếu theo dõi sự gia tăng của đồng USD và lợi tức kho bạc Mỹ, trong khi sự suy yếu của thị trường Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý trong nước,” nhà phân tích Seo Sang-young của Mirae Asset Securities cho biết.

Kết thúc phiên 19/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 101,24 điểm (+0,37%), lên 27.257,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 36,58 điểm (-1,19%), xuống 3.044,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 403,30 điểm (-2,38%), xuống 16.511,28 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 12,51 điểm (-0,56%), xuống 2.237,44 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thanh khoản căng thẳng “gõ cửa” các ngân hàng

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng được nhận định gặp nhiều áp lực, một trong những nguyên nhân chính là chênh lệch âm kéo dài giữa huy động - tín dụng trong hệ thống tạo áp lực lên khả năng sử dụng nguồn huy động vốn của ngân hàng..>> Chi tiết

- Lọc cơ hội khi cổ phiếu phá đáy Covid

Hàng loạt cổ phiếu về vùng định giá tháng 3/2020, mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu cho các nhà đầu tư sẵn tiền mặt..>> Chi tiết

- Áp lực tiền vơi vẫn còn

Chính sách thắt chặt tiền tệ và những lo ngại về bức tranh vĩ mô có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực diện lên dòng tiền là yếu tố chính chi phối xu hướng thị trường giai đoạn hiện nay, lấn át các phân tích cơ bản và cả phân tích kỹ thuật..>> Chi tiết

- EU muốn áp hạn mức giao dịch khí đốt trong ngày

Liên minh châu Âu đang thúc đẩy các biện pháp mới nhằm ngăn chặn giá khí đốt tăng cao sau mùa hè này và động thái này có thể tác động lớn đến người tiêu dùng trong khối này..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp