Tái cấu trúc tài chính ngân hàng: Sự cân nhắc giữa cổ tức và tăng vốn

Quầy giao dịch ngân hàng OCB. Ảnh: N.H

"Lá bùa hộ mệnh" từ tăng vốn điều lệ và chia cổ tức

Kết thúc quý 1/2024, bức tranh chia cổ tức của các ngân hàng đã dần hé lộ. Đáng chú ý, thông tin chia cổ tức bằng tiền mặt được rất nhiều cổ đông quan tâm. Cụ thể, tính đến nay, đã có ít nhất 7 ngân hàng công bố chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt, với tỷ lệ 3 - 15%, tương đương mức lợi tức 1,5 - 6% một năm, xấp xỉ lãi tiết kiệm.

Điển hình, ân hàng Techcombank (TCB) công bố chia cổ tức bằng tiền mặt là 15%, tương đương mỗi cổ phiếu TCB được nhận 1.500 đồng. Tính trên thị giá cổ phiếu TCB giao dịch trên thị trường bình quân 12 tháng là 34.000 đồng, khoản cổ tức 1.500 đồng nhận được trên mỗi cổ phiếu tương đương mức sinh lời 4 - 5%.

Ngoài ra, Techcombank cũng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá. Đây có thể xem là thay đổi lớn nhất trong chính sách cổ tức năm nay là Techcombank sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận.

Tương tự, ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng quyết định tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 12,5% (tương đương 1.500 đồng mỗi cổ phiếu); đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17%.

Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng. Ảnh: NH

Các ngân hàng MB, ACB, Eximbank, HDBank cũng chia cổ tức bằng 2 hình thức là vừa tiền mặt vừa cổ phiếu. Trong đó, MB chia tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt là 5%, cổ phiếu thưởng là 15%; ACB, HDBank lần lượt là 10% và 15%; Eximbank là 3% và 7%.

Riêng VPBank chỉ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ là 10%. Các ngân hàng khác như MSB, NamA Bank, OCB, chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng với mức thấp nhất là 13,6% và cao nhất là 30%.

Đáng chú ý, ngày 27/4 tới đây, sẽ trình Đại hội đại cổ đông (ĐHĐCĐ) phương án phân phối gần 14.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2023 để chia cổ tức. Ngoài ra, ngân hàng còn đang có các phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016 đang chờ triển khai.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, Chủ tịch VietinBank cũng đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Triển vọng ngành ngân hàng từ chia cổ tức

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt đều có ý nghĩa quan trọng, vì nó tùy thuộc vào chiến lược và mục tiêu của từng ngân hàng. Chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn điều lệ và nâng cao năng lực tài chính, trong khi chia cổ tức bằng tiền mặt cung cấp lợi ích trực tiếp và ngay lập tức cho cổ đông. Cả hai hình thức này đều phản ánh sự lạc quan của ngân hàng về khả năng sinh lời và cam kết chia sẻ lợi nhuận với cổ đông. Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ cũng giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế như Basel II, từ đó nâng cao uy tín và khả năng tiếp cận nguồn vốn lớn hơn.

Việc chia cổ tức giúp ngân hàng không chỉ nâng vốn điều lệ mà còn gắn kết với cổ đông. Ảnh: N.H

Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ và chia cổ tức cũng tác động tích cực đến thị trường kinh tế. Cụ thể, khi ngân hàng tăng vốn điều lệ, khả năng cho vay và đầu tư của doanh nghiệp cũng tăng lên. Mặt khác, các ngân hàng cũng có thể đối phó tốt hơn với các biến động kinh tế và rủi ro tài chính khi nền tảng tài chính vững chắc. Song song đó, vốn điều lệ lớn hơn cho phép ngân hàng đầu tư vào công nghệ mới và cải thiện dịch vụ, từ đó thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong ngành ngân hàng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số cổ phiếu ngân hàng cũng đã ghi nhận hiệu sức sinh lời tốt và phản ánh kỳ vọng về mục tiêu kinh doanh trong năm 2024. Trong 26 mã cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, có 5 mã gần đây xác lập đỉnh mới gồm: VCB, , ACB, HDB và MBB. Bên cạnh đó, cổ phiếu của một số nhà băng như CTG và LPB cũng ở cận kề vùng đỉnh lịch sử.

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng phân tích dữ liệu FiinGroup đánh giá về dài hạn, ngân hàng là ngành đáng chú ý nhờ các yếu tố hỗ trợ. Kế hoạch trả cổ tức, dòng tiền ngoại, sự cải thiện về chất lượng tài sản khi tín dụng tăng trở lại và các tín hiệu hồi phục về vĩ mô trở nên vững chắc hơn sẽ giúp gia tăng dòng tiền và tạo động lực về giá ở cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.

Theo đó, ngân hàng cần phải điều chỉnh chính sách cổ tức của mình để phản ánh tình hình tài chính hiện tại và dự báo tương lai, đảm bảo rằng có thể duy trì sự ổn định và tăng trưởng. Đây cũng chính là chiến lược dài hạn của các ngân hàng để thu hút đầu tư và tăng trưởng vốn, giúp ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Nhìn chung, trong bức tranh toàn cảnh của ngành ngân hàng, việc chia cổ tức và tăng vốn điều lệ không chỉ là những quyết định tài chính quan trọng mà còn là những bước đi chiến lược, cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng với thị trường của ngân hàng. Những động thái này không chỉ củng cố niềm tin của cổ đông mà còn mở ra cánh cửa tiềm năng cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng lâu dài.

Với sự hỗ trợ từ chính sách và cơ chế quản lý tài chính tiên tiến, ngành ngân hàng Việt Nam có thể kỳ vọng vào một tương lai sáng lạn, nơi mà sự ổn định và đổi mới đi đôi với nhau, tạo ra giá trị không chỉ cho ngành ngân hàng mà còn cho nền kinh tế nói chung. Đây chính là thời điểm để ngành ngân hàng khẳng định vai trò là trụ cột vững chắc trên hành trình hội nhập và phát triển.

Hải Yên/Báo Tin tức