Thông thái khi sử dụng mạng xã hội

Để có thể kiếm triệu view cho mỗi video, các youtuber, tiktoker, facebooker khiến người thân của “ông hoàng cải lương” - NSƯT Vũ Linh có một tuần khốn đốn với đám tang. Các tiêu đề câu view, sai sự thật, cảnh giẫm đạp, chen lấn trong lễ viếng và lễ hạ huyệt biến đám tang vốn cần trang nghiêm lại trở nên hỗn loạn. Trong khi chờ các “ông lớn” mạng xã hội như yotube, tiktok, facebook gỡ nội dung, hạn chế khả năng quảng cáo của các trang cá nhân này, thì rất cần mỗi khán giả sẽ là người dùng mạng xã hội thông thái.

NSƯT Vũ Linh là một nghệ sĩ lớn trong giới cải lương và là thần tượng của nhiều thế hệ khán giả nên đám tang của ông nhận được nhiều sự chú ý của công chúng. Bên cạnh người dân hiếu kỳ, đội ngũ youtuber, tiktoker cũng xuất hiện khá đông để liên tục ghi hình, phát trực tiếp gây hỗn loạn ở đám tang. Kèm theo tiếng kèn đám, lời chia buồn với người thân nghệ sĩ luôn được xen ngang bởi những lời dẫn câu livestreams của các youtuber, tiktoker, facebooker. “Đội ngũ” này đã luôn túc trực, cầm điện thoại và các thiết bị quay chụp 24/24 và phát ra những câu: “Đây là con gái Vũ Linh nhé các bạn”, “Ai muốn mình quay gì thì nhắn ở đây nhé”, “Lệ Thủy trẻ quá hen”, “Các bạn hãy đăng ký theo dõi kênh để liên tục được cập nhật về tình hình đám tang… Thậm chí, còn có cả các video giật tít với tiêu đề “ông hoàng cải lương” để lại hết tài sản cho con nuôi Bình Tinh khiến gia đình đang rối bời lo tang lễ vẫn phải tổ chức gặp gỡ nhà báo để giải thích thông tin bịa đặt trên mạng xã hội.

Đỉnh điểm của sự hỗn loạn là vào ngày tổ chức hạ huyệt, đám đông đã chen lấn, trèo, giẫm đạp vào phần mộ bên cạnh – mộ phần của nghệ sĩ Thanh Kim Huệ khiến mộ bị hư hại, và các chậu cây bị gẫy, nát. Lãnh đạo địa phương mặc dù đã phân công tất cả lực lượng như công an, quân sự, bảo vệ dân phố, đô thị xuống túc trực, hỗ trợ gia đình NSƯT Vũ Linh, đảm bảo an ninh trật tự nhưng… bất lực với đám đông.

Ở các nền tảng mạng xã hội phổ biến như youtube, tiktok hay facebook, hành động này đều vi phạm nguyên tắc cộng đồng. Cụ thể youtube có quy định rõ: “Youtube không cho phép đăng nội dung câu kéo, lừa đảo hoặc các nội dung lừa gạt khác nhằm lợi dụng cộng đồng youTube” nên việc sử dụng siêu dữ liệu như tiêu đề, nội dung mô tả hay hình thu nhỏ để lừa người dùng tin vào nội dung sai lệch là không được phép. Ở tiêu chuẩn cộng đồng của tiktok, nền tảng này sẽ xóa những thông tin sai lệch, gây hiểu lầm có thể gây thiệt hại đáng kể cho các cá nhân, cộng đồng tiktok hay công chúng nói chung, bất kể mục đích là gì. Kể cả facebook cũng vậy. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên hình ảnh phản cảm của người dân tại lễ tang nghệ sĩ gây tranh cãi. Trước đó, đám tang của Wanbi Tuấn Anh, NS Chí Tài, Mai Phương hay diễn viên Anh Vũ... đều xảy ra tình trạng tương tự và các nền tảng mạng xã hội vẫn chưa xử lý, có lẽ bởi vì chưa có những phản hồi từ phía người bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, sự hỗn loạn, bát nháo tại đám tang do các youtuber, tiktoker, facebooker cứ lặp đi lặp lại.

Để ngăn chặn hành động phản cảm này chỉ có thể trông chờ vào việc sử dụng mạng xã hội của khán giả thông thái. Bằng chứng là dưới các video câu khách trong đám tang của NSƯT Vũ Linh đã xuất hiện các bình luận tỉnh táo cùng nhận thức đúng đắn của cư dân mạng với các thông tin trên MXH. Cụ thể là hàng loạt bình luận lên án, tẩy chay: “Cần tẩy chay những YouTuber lợi dụng người nổi tiếng để quay video trong đám tang, hết sức ồn ào mất trật tự, mất sự tôn nghiêm với người quá cố”. Đó là tín hiệu mừng trong công cuộc tẩy chay các video “bẩn”.

Lan Ngọc