Thủ tướng Chính phủ: Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn

Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.

Các chủ thể có liên quan từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức đồng lòng, hơn lúc nào hết cần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, càng khó khăn phải càng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý việc nào dứt việc đấy.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2023, lưu ý điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, góp phần bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Công điện, Công thư của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ từ tháng 10 năm 2022 đến nay, nhất là Công thư số 460/LĐCP ngày 31 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ, Thông báo số 225/TB-VPCP ngày 15 tháng 6 năm 2023 của Thường trực Chính phủ, Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2023, Thông báo số 237/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2023, Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2023, văn bản số 687/TTg-KTTH ngày 27 tháng 7 năm 2023, Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2023, Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2023 và các văn bản khác có liên quan.

Thực hiện các giải pháp tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay, tài sản bảo đảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn, đồng thời phải bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Khẩn trương hoàn thiện, sớm trình cấp thẩm quyền các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng để tạo điều kiện cho vay thuận lợi hơn.