Thủ tướng: Xây dựng và thực thi pháp luật minh bạch, sát thực tiễn

Ngày 27/2, Thủ tướng ạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ tập trung cao cho xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song trên thực tế nhiều vấn đề, nội dung được pháp luật quy định, song thực tiễn đã vượt qua; nhiều vấn đề quan trọng cần có luật pháp điều chỉnh.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024

Thủ tướng cho biết, ngay trong tháng 1/2024, Chính phủ đã tổ chức họp chuyên đề về xây dựng pháp luật với 5 nội dung. Nhiệm vụ tháng 2 còn nặng nề hơn, vừa tích cực chuẩn bị trình Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024; vừa quyết nghị các dự án luật phục vụ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.

Theo Thủ tướng, 11 nội dung được xem xét cho ý kiến, quyết nghị trong Phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 2/2024 đều là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động rất lớn tới việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Cho rằng đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ nêu cao tinh thần, nhiệm vụ, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề để xây dựng pháp luật, đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng; tập trung nguồn lực, nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật...

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng yêu cầu rà soát kỹ, đảm bảo việc xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật công khai, minh bạch, sát thực tiễn. Trong đó, các nội dung phải được thể hiện rõ, không để một nội dung có thể hiểu nhiều nghĩa. Cùng với xây dựng các luật, cần khẩn trương xây dựng, ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành để pháp luật thực sự và nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Thủ tướng cho rằng, số lượng luật được thông qua trong nhiệm kỳ này rất nhiều vì vậy, các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tiếp tục phải lãnh đạo, chỉ đạo dự thảo các nghị định cho kịp thời khi luật có hiệu lực. Đồng thời, cần có các hướng dẫn, các nghị định hướng dẫn, các thông tư hướng dẫn để chúng ta thực hiện cho nghiêm túc. Đây là những yêu cầu rất quan trọng.

"Qua thực tiễn cho thấy luật nào đã chuẩn bị tốt sẽ đi vào cuộc sống ngay, còn luật nào không làm được lại tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, làm xong rồi vẫn vướng mắc. Đặc biệt là các hướng dẫn, không thể nào hướng dẫn một lần có thể đúng hết được, thực tiễn vướng ở đâu thì mình lại bổ sung đến đó, vướng mắc ở đâu thì giải quyết, khó khăn ở đâu thì phải tháo gỡ, trên tinh thần là nhanh gọn, đúng, trúng vấn đề, bám sát thực tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ thảo luận xem xét cho ý kiến, quyết nghị các dự án luật Phòng không nhân dân; Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Di sản văn hóa (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đồng thời xem xét đề nghị xây dựng các luật: Hàm, cấp ngoại giao; Hàng không (sửa đổi); Đường sắt (sửa đổi); Công nghiệp công nghệ số; và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Dự án Luật Phòng không nhân dân

Đặc biệt về dự án Luật Phòng không nhân dân, các thành viên Chính phủ cho rằng đây là dự án luật mới, quan trọng, nhằm hoàn thiện, thể chế hóa các quy định hiện hành về phòng không nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về nhiều vấn đề như việc quy định các trường hợp được miễn trừ cấp phép bay khi khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; về các điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay, trong đó lưu ý cần cân nhắc không áp dụng yêu cầu cấp phép đối với hoạt động khai thác, sử dụng phục vụ giải trí của người dân, nhu cầu sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh.

Về việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ cho rằng nội dung này cần được đánh giá trên nhiều khía cạnh như địa bàn, quy mô, tính chất quan trọng của doanh nghiệp... để có quy định phù hợp, khả thi; tránh tăng bộ máy, kinh phí cho cơ quan, doanh nghiệp.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh nêu ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các thành viên Chính phủ nhận định, đây là dự án luật quan trọng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển của ngành dược; khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành, tăng cường khả năng tiếp cận thuốc của nhân dân; thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực dược.

Về vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ về quy định kê khai giá bán thuốc; rà soát các quy định đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành, nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, đồng thời giữ nguyên tắc an toàn, khoa học trong sản xuất, phân phối thuốc và nguyên liệu làm thuốc; bảo đảm quyền tiếp cận sớm thuốc của người dân, nhất là những thuốc mới

Cùng với đó là ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước theo công nghệ hiện đại; có quy định cụ thể để khuyến khích chuyển giao công nghệ; cụ thể hóa đối với các chính sách phát triển dược liệu trong Chiến lược phát triển ngành dược đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, có chính sách khuyến khích cho đầu tư xây phát triển ngành công nghiệp dược, chấm dứt cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, giám sát quảng cáo lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm dược...

Vũ Khuyên/VOV