Tiếp tục kiểm soát nợ công giai đoạn 2024 - 2026 an toàn, hiệu quả

Tổng mức vay 3 năm tối đa hơn 1,8 triệu tỷ đồng

Quyết định số 260/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024-2026. Theo chương trình kế hoạch, về vay, trả nợ của Chính phủ, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2024-2026 tối đa khoảng 1.862,2 nghìn tỷ đồng.

Khống chế bội chi và nợ của chính quyền địa phương

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương, Chính phủ khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương và Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2024-2026 nhằm đảm bảo nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ công, không ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ phù hợp với điều kiện thị trường và nhu cầu triển khai.

Đồng thời, chương trình kế hoạch đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) và phát triển kinh tế - xã hội, với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp; tập trung ưu tiên huy động vốn nước ngoài cho các dự án lớn, quan trọng có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Nguồn: Chính phủ. Đồ họa: Phương Anh

Bên cạnh đó là việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong mức trần, ngưỡng cảnh báo được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Theo kế hoạch vay trả nợ công năm 2024, vay của Chính phủ tối đa 676.057 tỷ đồng, gồm: Vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 659.934 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 372.900 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc không quá 287.034 tỷ đồng; vay về cho vay lại khoảng 16.123 tỷ đồng.

Kế hoạch trả nợ của Chính phủ khoảng 453.990 tỷ đồng, trong đó: trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 395.874 tỷ đồng; trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 58.116 tỷ đồng.

Về vay, trả nợ của Chính phủ, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2024-2026 tối đa khoảng 1.862,2 nghìn tỷ đồng, trong đó: vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.818,3 nghìn tỷ đồng; vay về cho vay lại khoảng 43,9 nghìn tỷ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2024-2026 tối đa 1.102,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: trả nợ trực tiếp khoảng 976,4 nghìn tỷ đồng: trả nợ vay lại khoảng 126,4 nghìn tỷ đồng.

Với định mức nêu trên, quyết định của Chính phủ nêu rõ, sẽ chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách

Về hạn mức bảo lãnh chính phủ, quyết định nêu rõ, đối với bảo lãnh cho 2 ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu: Mức bảo lãnh cho ân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026 tối đa 8.620 tỷ đồng. Mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2024-2026 tối đa 11.590 tỷ đồng.

Mức bảo lãnh này bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2024-2026; quán triệt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức rút vốn không vượt quá nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm.

Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương, giai đoạn này, khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định của Luật NSNN, các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bộ Tài chính nghiên cứu các phương thức huy động vốn vay mới, đảm bảo huy động đủ vốn vay cho đầu tư phát triển, đáp ứng các dự án lớn về hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, cam kết phát thải ròng về 0, chuyển đổi số đồng thời kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn trần, ngưỡng cảnh báo giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ động điều hành khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ theo nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với lãi suất phù hợp điều kiện thị trường; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu chính phủ, đảm bảo kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân theo mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Theo ông Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đã có rất nhiều tiến bộ trong công tác quản lý nợ công và cũng đã có những cải cách quan trọng về quản lý nợ công bao gồm: tăng cường khung pháp lý, quản lý thể chế…

Để giữ được nợ công trong ngưỡng an toàn như hiện nay là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Tài chính. Trong đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ nhiều biện pháp để quản lý nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đảm bảo tình hình tài chính của đất nước, đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Kiểm soát nợ công thấp hơn nhiều so với mức trần

Năm 2024, mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 1.160 tỷ đồng, bằng mức trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm 2024. Còn Ngân hàng Chính sách xã hội không phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh trong năm 2024.

Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cụ thể đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ.

Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, không bố trí hạn mức bảo lãnh chính phủ năm 2024, do các dự án không có nhu cầu rút vốn, chỉ trả nợ.

Thời gian qua, các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công của Việt Nam năm 2023 vẫn ở mức bền vững, ổn định. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP, trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam còn thấp hơn 1 bậc so với mức tín nhiệm BBB.

Chính phủ đã triển khai chính sách điều chỉnh cơ cấu nợ bằng cách tăng tỷ trọng nợ dài hạn và giảm tỷ trọng nợ ngắn hạn; lãi suất ưu đãi, kỳ hạn dài, tăng vay nợ trong nước, giảm vay ngoài nước. Điều này giúp giảm chi phí tài chính cho ngân sách nhà nước và giảm rủi ro tài chính, đi cùng với tăng cường quản lý và giám sát nợ công.

Minh Anh