Tìm giải pháp giữ chân người lao động

Công nhân Công ty TNHH Hoàng Gia GMT (H.Trảng Bom) trong giờ sản xuất. Ảnh: L.MAI

Theo nhiều cán bộ Công đoàn, để NLĐ gắn bó, trở lại làm việc sau Tết, rất cần những giải pháp, chính sách chăm lo hợp lý từ DN để giữ chân NLĐ, tránh để tình trạng thiếu lao động khi có đơn hàng dồi dào trở lại.

Cần có giải pháp để NLĐ gắn bó

Thực tế, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều DN khó khăn phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động và thực hiện các phương án sản xuất phù hợp để giữ việc làm cho NLĐ. Song, cũng có những DN cho NLĐ nghỉ không lương, chấm dứt hợp đồng lao động, thậm chí cho lao động nghỉ việc để giảm chi phí. Tuy nhiên, cách làm này của DN chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, về lâu dài khi kinh tế phục hồi lại thiếu lao động phục vụ sản xuất.

Trong năm 2023, đã có hơn 67 ngàn lao động làm việc tại 145 DN có tổ chức Công đoàn bị ảnh hưởng việc làm. Hiện một số DN còn khó khăn về đơn hàng cho biết, đang có kế hoạch cho NLĐ nghỉ Tết từ 20-45 ngày, nhất là lĩnh vực sản xuất gỗ. Việc nghỉ Tết dài ngày sẽ là dịp để NLĐ có thời gian đón Tết cùng gia đình nhiều hơn; song với những lao động khó khăn lại lo lắng vì thu nhập sẽ bị ảnh hưởng và đời sống tối thiểu không đảm bảo.

Theo ông NGỌ DUY HIỂU, năm 2024, dự báo tình hình việc làm của NLĐ còn khó khăn, do đó, tổ chức Công đoàn cần phối hợp các chủ DN tăng cường chăm lo đời sống NLĐ để họ yên tâm làm việc, gắn bó, tránh tình trạng có việc làm lại thiếu lao động. Trước mắt, ngoài chăm lo Tết, Công đoàn cần nắm xem có bao nhiêu DN cho NLĐ nghỉ Tết sớm, nghỉ dài ngày, DN thiếu đơn hàng để báo cáo cho tỉnh có kế hoạch định hướng chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chị Lê Thị Minh, làm việc trong một DN sản xuất gỗ xuất khẩu tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, năm nay, DN thông báo cho NLĐ nghỉ Tết 3 tuần, từ ngày 4-2 đến 25-2. Dù lịch nghỉ Tết nhiều ngày nhưng NLĐ buộc phải quay trở lại Đồng Nai sớm để đảm bảo thời gian học tập cho con theo quy định. Do đó, NLĐ sẽ rất khó khăn khi chi phí tiền trọ, sinh hoạt vẫn phải trả nhưng không có lương. Nếu việc làm không ổn, NLĐ buộc phải lựa chọn về quê sinh sống.

Thời gian qua, nhiều công ty đã vượt khó để chăm lo đời sống cho công nhân lao động. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024, các DN nỗ lực duy trì thưởng Tết cho NLĐ bình quân 1 tháng lương/người. Theo các cấp Công đoàn, đến nay đã có hơn 50% DN công bố lương, thưởng Tết cho NLĐ. Đây là sự cố gắng rất lớn của DN để ghi nhận sự gắn bó cũng như giữ chân công nhân. Tuy nhiên về lâu dài, lãnh đạo các DN phải có định hướng đảm bảo việc làm bền vững để công nhân yên tâm gắn bó, nhất là lao động có tay nghề.

Tại Hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các ngành nghề diễn ra tháng 12-2023, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nông Văn Dũng cho rằng, để NLĐ gắn bó, rất cần nhiều chính sách phúc lợi lâu dài từ DN. Ông Dũng dẫn chứng như lĩnh vực sản xuất cơ khí, luôn đòi hỏi công nhân phải có tay nghề, nhất là khi DN ứng dụng máy móc hiện đại và sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao. Lao động lĩnh vực này cũng khó tuyển bởi yêu cầu về tay nghề. Do đó, DN cần giữ chân lực lượng lao động này vì nếu thiếu lao động và tuyển lại, việc đào tạo mất rất nhiều thời gian, quá trình phục hồi sản xuất của DN sẽ gặp khó.

Tránh thiếu lao động sau Tết

Những tháng cuối năm, một số DN giày da, may mặc đã có đơn hàng trở lại và kéo dài đến quý II-2024. Song việc thiếu nhân lực đang là trở ngại của của nhiều DN. Đại diện phòng nhân sự một DN chuyên may mặc tại TP.Long Khánh cho hay, hơn 1 tháng qua, DN đăng tuyển 500 lao động qua nhiều kênh nhưng rất ít ứng viên gửi hồ sơ phỏng vấn. Trong khi đó, đơn hàng đã ký kết rất nhiều, nếu không làm đúng tiến độ như thỏa thuận, DN buộc phải đền hợp đồng, mất niềm tin với khách hàng. Hiện DN cho NLĐ tăng ca dịp cuối năm để đảm bảo đơn hàng, vừa để công nhân tăng thu nhập, trang trải Tết.

Công ty TNHH Shingmark Vina (chuyên sản xuất trang thiết bị nội thất tại H.Trảng Bom) đang tuyển 800-1.000 lao động với mức lương từ 8-13 triệu đồng/tháng. Dù đăng tuyển gần 1 tháng nay với nhiều chính sách để hút lao động nhưng số lượng tuyển vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo DN, do vào thời điểm cận Tết, NLĐ đang làm việc ổn định ở các công ty khác, một số lao động đã về quê nên rất khó tuyển.

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh lần thứ 3 và tổng kết hoạt động Công đoàn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay tình trạng thiếu đơn hàng và thu hẹp sản xuất diễn ra phổ biến ở nhiều DN, Công đoàn Đồng Nai cần tăng cường chăm lo, giữ chân NLĐ, tránh tình trạng khi kinh tế ổn định trở lại nhưng Đồng Nai lại thiếu lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu lưu ý, hiện nay đang có sự dịch chuyển rất lớn lao động ở Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác. Do đó, Công đoàn Đồng Nai cần tăng cường chăm lo, tuyên truyền để NLĐ chia sẻ khó khăn, gắn bó cùng DN vượt khó vì việc làm bền vững. Ngoài ra, các Công đoàn cơ sở phối hợp DN có phương án duy trì việc làm cho công nhân bởi sự phát triển của DN có vai trò quan trọng của NLĐ. Cùng với đó, quan tâm đến các chế độ, chính sách, lương, thưởng Tết, tránh để nợ lương và các phúc lợi, ảnh hưởng đời sống NLĐ.

Lan Mai