'Tội phạm biểu diễn' xuất phát từ thử thách TikTok tại Mỹ

Các linh kiện bị hư hỏng cần thay thế sau khi một xe ô tô bị trộm tại in phía Bắc Las Vegas (Mỹ). Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết những video này hướng dẫn người xem cách khởi động xe ô tô với cáp USB và khai thác điểm yếu của một số mẫu xe bán tại Mỹ không có hệ thống an ninh điện tử để ngăn động cơ khởi động trừ khi có đúng chìa khóa.

Đây là hiện tượng được gọi tên "tội phạm biểu diễn". Sở cảnh sát nhiều thành phố cho biết nó kéo theo sự gia tăng số lượng thiếu niên bị bắt giữ vì trộm xe. Tuy nhiên, các chuyên gia tội phạm học cũng đánh giá rằng các thiếu niên thiếu kinh nghiệm thường dễ bị bắt hơn khi phạm tội.

Nhưng không giống như những xu hướng mạng xã hội khác biến mất khi bị cảnh sát “sờ gáy”, các vụ trộm xe theo trào lưu này vẫn tiếp diễn. Hyundai đã cố gắng hợp tác với TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác để gỡ video nhưng lại có video mới xuất hiện. Điều này cho thấy tác động dai dẳng từ những nội dung nguy hiểm thu hút các thiếu niên muốn nổi tiếng trên mạng xã hội.

Vào tháng 2, Hyundai và Kia đã triển khai nâng cấp phần mềm cho hàng triệu chủ xe tại Mỹ để đối phó với các vụ trộm liên quan đến thử thách trên TikTok. Cơ quan An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ cho biết thử thách này đã dẫn đến 14 vụ tai nạn giao thông và 8 người tử vong.

Vào đầu tháng 5 tại thành phố Milwaukee, bang bang Wisconsin, một chiếc Kia bị trộm đã va chạm với xe buýt trường học khiến một học sinh 15 tuổi trong tình trạng nguy kịch. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ một thiếu niên 14 tuổi là nghi phạm lái chiếc xe Kia bị trộm.

Trong khi đó, người phát ngôn của TikTok tại Mỹ đã bác bỏ cáo buộc cho rằng các thử thách nguy hiểm được truyền thông nhắc đến đã đạt mức độ phổ biến lớn trên mạng xã hội này. TikTok cho biết trong 3 tháng cuối năm 2022, có 5% video bị gỡ xuống do liên quan đến thử thách và hành động nguy hiểm. Trong đó 82% bị gỡ bỏ chỉ trong 24 giờ.

Thử thách Kia không phải là xu hướng tội phạm mạng xã hội đầu tiên ở Mỹ. Tại thành phố LaGrange, bang Georgia, cảnh sát phải đối mặt với “thử thách Orbeez” trong đó hướng dẫn người xem sử dụng súng đồ chơi hoặc súng hơi hạng nhẹ để bắn những quả bóng chứa gel nhỏ có tên Orbeez vào người lạ hoặc bạn bè. Cảnh sát địa phương đã chú ý khi quan sát thấy học sinh trung học cơ sở sử dụng súng đồ chơi được sơn đen như súng thật và họ đã ngay lập tức đưa ra cảnh báo.

Ông Michael Scott tại Đại học Arizona cho biết có nhiều ví dụ về xu hướng hành vi phạm tội lan truyền trước cả khi mạng xã hội xuất hiện. Ví dụ như vào những năm 1990 có nhiều nhóm thiếu niên phát hiện ra họ có thể trộm xe của hãng General Motors với tuốc nơ vít. Ông Michael Scott nói: “Ngay cả khi không có mạng xã hội, kỹ thuật đó cũng lan truyền khắp đất nước. Thay đổi mà mạng xã hội đem lại là nó đẩy nhanh tiến trình lan truyền”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP)