Tổng cầu phục hồi, tăng trưởng GDP vẫn khó đạt mục tiêu 6,5%

Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, kinh tế 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Để đạt mục tiêu GDP tăng 6,5% năm nay, hai quý còn lại tăng trưởng phải đạt khoảng 9%.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam nhận xét, việc đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% năm 2023 "là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là khó khả thi, khi hai quý cuối năm phải tăng đến 9% so với cùng kỳ".

Theo ông Thành, cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt trên 4 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo đó, ông Thành dự báo tăng trưởng GDP năm nay khoảng 5,5-5,9% trong trường hợp giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023, nhưng đều thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra.

Với kịch bản cơ sở là tăng trưởng 5,2 - 5,5%; kịch bản tiêu cực: kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 - 4,5%.

"Với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%", ông Lực đánh giá.

Năm 2024 và 2025, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% trong năm 2025, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt lần lượt khoảng 6% và 6,5%.

Trong khi đó, dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay, nhiều định chế tài chính có cái nhìn ít lạc quan khi đưa ra mức tăng trưởng chỉ từ 4,7 – 5,8%.

Điển hình, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng 4,7%, sau đó tăng lên 5,5% trong năm 2024 và khoảng 6% vào năm 2025. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng xuống 5,8% từ mức 6,5% đưa ra trước đó.

Tương tự, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng UOB cũng đều hạ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm nay 0,8-1,1% so với dự báo hồi đầu năm, lần lượt là 4,7% và 5,2% do những áp lực lớn từ tổng cầu bên ngoài giảm mạnh tác động đến xuất khẩu.

Ông Alexander Bohmer - Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp cho biết, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay gặp khó khăn nên hạ tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024.

Để khơi thông nguồn lực kinh tế, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực kiến nghị cần thực thi tốt những cơ chế, chính sách để tận dụng và thúc đẩy những động lực phát triển hiện hữu (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu).

Giải pháp được chuyên gia này nhắc tới là hoàn thiện thể chế cho các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh...) vừa qua đã chậm, lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, chính sách đưa ra cũng cần hướng tới hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, tăng liên kết vùng ở khía cạnh cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và lao động.

TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh việc nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và đẩy mạnh thương mại dịch vụ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành nhắc tới chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. Vì thế, các chính sách thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) đều cần theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Thậm chí, vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm giai đoạn tới cũng cần ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

WB cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua thúc đẩy đầu tư công hiệu quả, qua đó tạo việc làm và kích thích các hoạt động kinh tế khác.

"Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, vì những lĩnh vực này là điều bắt buộc đối với tăng trưởng dài hạn", đại diện WB khuyến nghị.

Đồng thời, cần đa dạng hóa các sản phẩm và điểm đến xuất khẩu để xây dựng khả năng phục hồi trung hạn trước các cú sốc bên ngoài.

Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 được tổ chức mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 là "hết sức khó khăn". Bởi, nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

“Diễn đàn thống nhất và nhấn mạnh rằng, cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Gợi ý về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu: thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.

Thanh Hoa