Trăn trở thu nhập vị trí hỗ trợ, phục vụ

Bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng, các nhân viên cấp dưỡng tại Trường Mầm non Tân Duyệt, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, phải thức dậy sớm nhận các loại thực phẩm tươi sống được vận chuyển từ thị trấn về để chế biến các suất ăn bán trú tại trường. Ðể có một bữa ăn ngon, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng theo đúng quy định, thì từ khâu sơ chế đến nấu nướng phải thật tỉ mỉ. Vất vả dưới cái nóng oi bức của nhà bếp, cẩn thận từng con tôm, miếng thịt, bó rau, từ sáng tới chiều các chị hầu như không ngơi tay bởi những công việc không tên, nhưng thu nhập chỉ dừng lại ở mức hợp đồng theo thỏa thuận.

Cô Trà Kiều Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Duyệt, cho biết: “Giáo viên mầm non được nâng lương thường xuyên theo quy định, nhưng với vị trí cấp dưỡng thì không. Hiện tại, nhà trường có 3 lao động thuộc diện hợp đồng chức năng, gồm 1 bảo vệ và 2 cấp dưỡng, với mức lương từ 3 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này khá thấp”.

Một vị trí khác cũng vất vả không kém là nhân viên y tế học đường. Theo cô Hoa, vị trí nhân viên y tế ở bậc học mầm non, nhất là ở những trường thực hiện công tác bán trú, thì ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ, còn phải kiểm tra bếp ăn, lưu mẫu và công việc này phải thực hiện 3 lần mỗi ngày. Trong khi đó, giáo viên khó có thể kiêm nhiệm y tế vì không có chuyên môn. Mặc dù quy định làm việc 1 ngày 8 tiếng, nhưng với trường bán trú, nhân viên y tế phải ở lại trực, đồng nghĩa với việc nhà trường phải trả lương thêm giờ, nhưng nguồn kinh phí của trường lại không có.

Cô Hoa cho hay: “Trường hiện có 1 nhân viên y tế học đường đã gắn bó với đơn vị từ năm 2017, tuy nhiên, mức lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Hằng năm, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) cũng có chỉ tiêu tuyển dụng, nhưng vị trí y tế học đường không ai đăng ký ứng tuyển vì mức thu nhập không hấp dẫn. Trong khi, đối với bậc học mầm non, đặc biệt là trường có thực hiện công tác bán trú thì rất cần y tế học đường, vì tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường xảy ra và các con cần được chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các bộ, ngành xem xét lại mức lương có sự hài hòa cân đối, đảm bảo đời sống cho người lao động”.

Vì không tuyển dụng được, nên kiêm nhiệm là phương pháp duy nhất mà Trường Mẫu giáo Sơn Ca (ấp Hợp Tác Xã, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) có thể thực hiện trong thời điểm này với vị trí y tế học đường. Cô Nguyễn Tố Loan, Hiệu trưởng, chia sẻ: “Hằng năm các cô đều tham gia các lớp tập huấn để cập nhật kiến thức phòng chống dịch bệnh, sơ cứu ban đầu, tuy nhiên, những kỹ năng đó chỉ ở mức cơ bản. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương để xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra, và điều quan trọng hơn hết là cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn thương tích cho trẻ”.

Nhân viên cấp dưỡng mầm non việc nhiều nhưng thu nhập thấp. (Ảnh chụp tại Trường Mẫu giáo Sơn Ca, ấp Hợp Tác Xã, xã Tân Hưng).

Ðối với vị trí cấp dưỡng tại trường, tuy mức lương tối thiểu vùng vẫn chưa cao, song, do được làm việc gần nhà nên các “cô nuôi” tại đây gắn bó với công việc này nhiều năm. Tuy nhiên, trong quy định mới, yêu cầu cấp dưỡng phải có chứng chỉ nấu ăn từ trung cấp trở lên, thế nhưng, việc tạo điều kiện để các cô đi học cũng gặp nhiều khó khăn.

Vì không tuyển dụng được vị trí y tế học đường nên các giáo viên tại trường Mẫu giáo Sơn Ca phải kiêm nhiệm luôn công việc này.

Ông Nguyễn Minh Phụng, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Cái Nước, cho biết: “Thu nhập thấp, nhưng công việc lại rất nhiều và không có chế độ gì khác, khiến đời sống nhân viên cấp dưỡng gặp nhiều khó khăn. Theo đề án mới quy định, người làm công việc cấp dưỡng phải có bằng trung cấp, tuy nhiên, tại địa phương, tìm người có bằng lại rất khó. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn mở các lớp đào tạo nhằm giải quyết vấn đề bằng cấp cho nhân viên cấp dưỡng”.

Theo Ðiều 7, Thông tư 19/2023 của Bộ GD&ÐT, ban hành ngày 30/10/2023, có nêu định mức số lượng người làm việc vị trí hỗ trợ, phục vụ gồm: y tế học đường, bảo vệ, phục vụ, nấu ăn. Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng 9 tháng theo năm học để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ. Tùy theo nhu cầu số lượng, quy định từ 50 trẻ mới được hợp đồng 1 cấp dưỡng.

Quy định của Bộ GD&ÐT là thế, tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn nhưng chế độ đãi ngộ lại thấp hơn các vị trí khác. Chưa kể thời gian nghỉ hè họ lại không được hưởng chế độ chính sách, phải tự đóng bảo hiểm, những khó khăn trong đời sống lại càng thêm chồng chất./.

Hữu Nghĩa