Từ biệt 2023: Những điểm nhấn

Một năm nhìn từ năm mươi năm

Trong một năm 2023 mà sức tàn phá của COVID-19 để lại được cộng hưởng với vô vàn biến động chính trị toàn cầu dẫn tới chuỗi cung ứng bị bẻ gãy, chắc chắn bức tranh kinh tế Việt Nam không thể nào bừng sắc được. Âu lo dài thêm, trăn trở dày thêm. Nhưng trong bộn bề những âu lo trăn trở ấy, vẫn có nhiều điểm sáng và chúng ta nên nhìn vào điểm sáng ấy để giữ được sự tự tin bước vào một năm 2024. Và điểm sáng lớn nhất, theo quan điểm cá nhân của tôi, chính là việc Việt Nam đã có một năm thành công rực rỡ ở phương diện ngoại giao. Đây chính là phương diện bàn đạp sẽ mở màn cho rất nhiều biến chuyển tích cực về văn hóa- xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Mỹ Joe Biden.

1973 là năm Hiệp định Paris được ký kết. Và đó cũng là dấu mốc rất lớn để Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với rất nhiều quốc gia trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Đó là lý do vì sao năm 2023 được xem là năm "kỷ niệm 50 năm" của ngành ngoại giao Việt Nam. Rất nhiều quốc gia đã cùng bắt tay với Việt Nam để có một 2023 hoành tráng nhất trong các hoạt động tấp nập kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà điển hình là Nhật, Đức, Ý…

Ngay từ đầu năm 2023, đã có rất nhiều chuyến thăm "con thoi" giao lưu văn hóa - xã hội giữa Việt Nam và những quốc gia "50 năm" kể trên. Việc chuẩn bị cho những hoạt động ấy thực tế đã được lên kế hoạch, thực hiện từng phần từ 2-3 năm trước. Điều đó chứng tỏ rằng bản thân các nước bạn cũng vô cùng xem trọng mối quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thậm chí, có những quốc gia còn thực hiện hàng loạt các chương trình giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội trải dài từ đầu năm 2023 cho tới tận những ngày cuối năm ở đủ cấp quy mô, từ Chính phủ cho tới địa phương. Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều thay đổi và dịch chuyển lớn, tình hình địa chính trị toàn cầu cũng có nhiều biến động, Việt Nam đã được rất nhiều nước bạn xem là một đối tác lý tưởng bởi sự ổn định, sự an toàn cũng như các lợi thế về nguồn lao động ở độ tuổi vàng hay các lợi thế về vận tải. Nói không ngoa, nếu phải chọn ngành nào "tất bật" nhất năm 2023 này, chắc chắn ngành ngoại giao nếu đứng số 2 không ai dám mạnh dạn lên đứng số 1.

Song, dấu ấn ngoại giao của Việt Nam năm 2023 không chỉ là những mốc son "50 năm" như nói ở trên. Có những quốc gia có quan hệ ngoại giao với Việt Nam chưa đầy 50 năm nhưng lại là mối quan hệ vô cùng đáng giá và chính những mối quan hệ đó mới cho thấy vị thế của chúng ta lúc này. Điển hình là Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Tổng thống Biden cùng với việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thành "Đối tác chiến lược toàn diện" đã chính thức khẳng định giá trị của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đặc biệt, việc nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược…

Và cũng từ những điểm tựa vững chắc với những mối quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" ấy giữa Việt Nam và các cường quốc trên thế giới, năm 2023 đã chính thức chốt lại bằng việc Nhật Bản và Việt Nam nâng tầm "đối tác chiến lược toàn diện" ngay trong chuyến thăm nước bạn của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Việc các nguyên thủ quốc gia, các chính trị gia cấp cao của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã sang thăm chính thức Việt Nam ở năm 2023 cho thấy dấu ấn ngoại giao vô cùng tích cực. Kéo theo đó, các chuyến thăm của các lãnh đạo những tập đoàn lớn cho thấy các mối quan hệ mà chúng ta thiết lập là thiết thực vô cùng. Đó sẽ là tiền đề mở ra các phát triển những ngành sản xuất mới ở Việt Nam trong tương lai gần mà điển hình nhất có thể kể đến chính là chất bán dẫn.

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy sức mạnh ngoại giao trong kinh tế lớn lao như thế nào. Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với Nhật Bản. Kéo theo sau 30 thỏa thuận hợp tác này sẽ là rất nhiều hợp tác kinh tế khác nữa và đây chính là điểm hứa hẹn để trong tương lai 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm những bước tiến vượt bậc trong kinh tế và góp mặt nhiều hơn nữa ở nhiều vùng thị trường quan trọng.

Trong "Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32" khai mạc hồi giữa tháng 12 vừa rồi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc đại ý rằng sách lược ngoại giao là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: "Dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". Bản thân chủ đề chính của Hội nghị này cũng là "Phát huy vai trò tiên phong xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại" và đây là một chủ trương rất đúng với đường lối của Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Trong bối cảnh bức tranh chính trị toàn cầu vô cùng phức tạp như hiện nay, việc thiết lập quan hệ ngoại giao bền chặt với nhiều quốc gia có khác biệt nhau về tư tưởng, hệ thống… đòi hỏi sự linh hoạt và thận trọng bảo vệ quan điểm của riêng mình. Sự thận trọng và linh hoạt ấy chính là yếu tố cốt lõi để duy trì vị thế cũng như đảm bảo được hơn nữa cho sự ổn định tình hình trong nước.

Tất nhiên, vai trò của ngành ngoại giao luôn là tối quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào nhưng để ngoại giao phát huy được vai trò của mình, các ngành nghề khác cũng cần phải tham gia tích cực. Ngoại giao không chỉ đơn thuần là câu chuyện của chính trị. Nó còn là câu chuyện của văn hóa, của kinh tế, của giáo dục, thậm chí là cả thể thao. Sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt từ nghệ sĩ cho tới nhân vật giải trí, từ doanh nhân cho tới các các nhà văn hóa trong chuỗi vô vàn các hoạt động ngoại giao của Việt Nam năm 2023 đã cho thấy mặt trận ngoại giao cần sự tham gia của cả xã hội chứ không chỉ của các cán bộ ngành ngoại giao mà thôi. Từng doanh nhân, từng nhân sĩ, trí thức đều phải hiểu rằng mình cũng là một đại diện (dù nhỏ nhoi thôi) trong hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và các nước bạn. Và cơ bản nhất, phải xác lập được các mục đích hợp tác có lợi ích đúng nghĩa cho tất cả các bên tham gia căn cứ trên các thỏa thuận hợp tác mà ngành ngoại giao đã nỗ lực đạt được suốt cả năm qua.

Có thể nói, 2023 là một năm ngành ngoại giao Việt Nam đã đặt nền tảng lớn. Và bây giờ, phát huy nền tảng ấy thế nào trong các năm tiếp theo cần là nhiệm vụ chung mà tất cả các ngành nghề khác trong xã hội, đặc biệt là kinh tế, phải xem như trọng tâm của mình.

Hà Quang Minh

Công nghệ Việt: Nhìn từ phòng thí nghiệm của Edison

Tôi chọn việc khánh thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia ở Hòa Lạc vào tháng 10 là sự kiện Việt Nam tiêu biểu của năm 2023, vì rốt cục thì sau rất nhiều những lần hô hào, các dự án bong bóng về chuyển đổi số, mạng xã hội, đổi mới công nghệ…. thì vấn đề cốt lõi cũng được quan tâm: KHÔNG GIAN để đổi mới sáng tạo.

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia tại Hòa Lạc vừa được đưa vào hoạt động.

1. Trong Công viên lịch sử Quốc gia Edison ở bang New Jersey, Hoa Kỳ, có một nơi rất đặc biệt: phòng thí nghiệm Menlo Park, nơi vô số phát minh của nhà sáng chế đại tài Thomas Edison đã được thai nghén.

Trung tâm của công viên là tòa nhà làm việc Edison, chứa mọi công cụ trong thời gian ông điều phối một đội ngũ thợ máy hàng đầu, bao gồm một số người có bằng đại học mà chính Edison chưa bao giờ có.

Phòng thí nghiệm chứa đủ thứ máy móc mà Edison và đội ngũ đã nghiên cứu chế tạo, từ những cỗ máy nặng nề nhất cho đến các thử nghiệm tinh tế nhất. Có cả một chiếc giường mà Edison vẫn tranh thủ chợp mắt giữa giờ làm việc. Trước khi Thung lũng Silicon xuất hiện, căn phòng Menlo Park của Edison là ngôi sao công nghệ lớn nhất của đất nước.

Edison là nhà phát minh tự thân vĩ đại nhất từng biết, có lẽ vì ông không sáng chế một mình. Ít ai biết rằng Edison chính là người đã đưa các quy trình nghiên cứu và thiết kế công nghệ vào thế kỷ 20.

Bằng cách xây dựng một đội ngũ nghiên cứu mà rất nhiều trong đó được đào tạo bài bản trong các trường Đại học lớn nhất Hoa Kỳ, phòng thí nghiệm của Edison được xem như mô hình kiểu mẫu cho các phòng thí nghiệm công nghiệp lớn sau này, bao gồm General Electric, Bell Labs và các tập đoàn hóa chất và dược phẩm.

2. Khi Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia được khánh thành vào tháng 10 vừa rồi tại Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có nhấn mạnh một câu khá "đắt", rằng NIC Hòa Lạc sẽ "tạo ra không gian Đổi mới Sáng tạo mới cho đất nước". Và cốt lõi của phát triển đất nước trong thời hiện đại chính là phát triển công nghệ.

Tất nhiên bạn có thể coi việc xây dựng một công trình cỡ ngàn tỷ thế này là một biểu hiện phù phiếm, đặc biệt là trong thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái. Nhưng tôi chọn đây là sự kiện Việt Nam tiêu biểu của năm 2023 vì cuối cùng thì sau rất nhiều những lần hô hào, các dự án bong bóng về chuyển đổi số, mạng xã hội, đổi mới công nghệ v.v... thì vấn đề cốt lõi cũng được quan tâm: KHÔNG GIAN để đổi mới sáng tạo.

Khi thăm văn phòng của một trong những start-up công nghệ mới nổi ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên vì cách bài trí cầu kỳ và nhiều lớp của họ: chỗ này để giải trí, chỗ kia để tự do suy nghĩ, ngoài cách sắp đặt phục vụ cho công việc đơn thuần.

CEO giải thích rằng triết lý của công ty là đổi mới, và điều đó không thể chỉ hô hào suông. Trước hết thì không gian làm việc cũng phải mang hơi thở của điều đó: phá cách, tôn trọng tự do suy nghĩ, và nhiều màu sắc công nghệ.

Tất nhiên là với người đã nửa đời làm việc trong các cơ quan và văn phòng đóng hộp như tôi, đấy là một không gian kỳ dị. Nhưng bạn có thể tự hỏi giống tôi rằng liệu có phải hơn một thế kỷ trước, mọi người có lẽ cũng nhìn phòng thí nghiệm của Edison với con mắt tương tự?

Cho đến tận bây giờ, không có tỷ phú Silicon Valley nào tiệm cận nổi với sức làm việc phi thường của Edison với 1.093 bằng sáng chế Hoa Kỳ. Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, chỉ có 81 bằng sáng chế, Mark Zuckerberg của Facebook có 31, và Sergey Brin, đồng sáng lập Google, có 20. Edison có lẽ là người đầu tiên nghĩ đến việc công nghiệp hóa sáng tạo ở cường độ cao, và phát minh lớn nhất của ông có lẽ chính là phòng thí nghiệm ở Menlo Park.

3.Vào giữa năm nay, một con số khá kinh khủng được công bố: có khoảng 84.000 bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa đang tồn đọng, chưa được Bộ Khoa học - Công nghệ xử lý. Ngân sách dành cho phát triển khoa học và công nghệ vẫn đang phải nâng lên đặt xuống rất nhiều. Tinh thần đổi mới vẫn đang mắc kẹt ở đâu đó.

Sau phòng thí nghiệm ở Menlo Park, một ý tưởng xa xỉ nếu đặt trong bối cảnh một thế kỷ trước, sự phát triển vũ bão của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua gắn liền với cụm từ "Thung lũng Sillicon", cái tên được một nhà báo người Mỹ đặt vào năm 1971, sau này đã trở thành hoán dụ cho ốc đảo cách mạng công nghệ của Hoa Kỳ nói chung.

Xây dựng một trung tâm công nghệ quốc gia, nếu tạm bỏ qua cái vẻ ngoài có vẻ phù phiếm của dự án, có thể là một bước ngoặt của đổi mới sáng tạo: ít nhất thì ý định đổi mới công nghệ của một quốc gia cuối cùng đã được cụ thể hóa dưới một hình hài, là nơi tập hợp lực lượng sáng tạo và đầu mối để liên kết với quốc tế.

Quan trọng hơn, đấy là cách quyết liệt để một quốc gia bày tỏ thái độ rằng cuối cùng để rút ngắn quá trình phát triển, nó phải đặt niềm tin tuyệt đối vào một mũi nhọn: CÔNG NGHỆ.

Phạm An

Con số tí hon trong báo cáo

Trong báo cáo kinh tế xã hội Việt Nam năm nay, bạn có thể sẽ bỏ qua một con số nhỏ: diện tích rừng bị phá.

Một vụ phá rừng tại Đắk Lắk để lấn chiếm đất.

Trong năm 2023, người viết bài này tham dự hàng loạt diễn đàn về "kinh tế xanh". Thậm chí còn là thành viên ban tổ chức một vài hội thảo lớn về kinh tế xanh. Từ khóa đó thậm chí còn có thể coi là một trong những điểm nhấn nổi bật của năm 2023. Những bức tranh được vẽ lên đầy triển vọng, những cam kết được đưa ra chắc nịch. Chúng ta có quyền tin vào việc cộng đồng và chính phủ đều đang tận tụy với tương lai xanh. Nhưng nếu bàn đến "kinh tế xanh", "kinh tế tuần hoàn" trong khi vẫn chưa ngăn chặn được nạn phá rừng - một thách thức môi trường tối thiểu, một “di sản” từ thời nghèo đói - ta sẽ có cảm giác mình đang bàn về việc chữa ung thư khi mà vẫn có người tử vong vì đau mắt hột. Thống kê đến tháng 11/2023, diện tích rừng bị phá tại Việt Nam năm nay "mới chỉ" là hơn 1.000 ha. So với tổng diện tích rừng hiện có hay so với diện tích rừng trồng mới, đó không phải là con số lớn: nó chỉ tương đương có 0,01% tổng diện tích rừng tự nhiên tại Việt Nam.

Đó là một tiến bộ vượt bậc của Việt Nam, một quốc gia mà mới chỉ đầu thế kỷ này thôi, từng được Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) "tôn vinh" là quốc gia phá rừng nhanh thứ 2 trên thế giới. Từ năm 2000 đến năm 2005, theo số liệu của FAO, có đến hơn một nửa rừng chủ chốt của nước ta biến mất. "Thành tích" này giai đoạn đó chỉ xếp sau Nigeria.

Tỷ lệ này giảm xuống một chút, nhưng vẫn ở mức kinh hoàng vào giai đoạn 2010-2015, khi nhiều thống kê khẳng định rằng tỷ lệ mất rừng của Việt Nam vẫn ở mức hơn 20%. Nó giảm xuống chỉ còn một chữ số vào giai đoạn 2015-2020, cùng các nỗ lực không biết mệt mỏi của chính phủ và cộng đồng. Và hiện nay, việc phá rừng chỉ còn là một chấm nhỏ trong báo cáo kinh tế xã hội - phải đo bằng số thập phân.

Nhưng như thế đã đủ để chúng ta hài lòng? Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: tại sao rừng vẫn bị phá? Ta sẽ phải chấp nhận việc phá rừng như một thực tế khách quan và nên vui mừng khi "nó nhỏ"?

Đầu tiên phải khẳng định rằng 1.000 ha chỉ nhỏ nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, còn theo số tuyệt đối thì nó cũng chẳng nhỏ với ai: cả nghìn lâm tặc làm việc trong vài tuần liên tục, với sự trợ giúp của máy công cụ, mới tạo ra được tàn tích đó. Nếu nhìn sâu hơn vào từng vụ phá rừng bị phát hiện tại nước ta trong năm 2023, những người quan sát sẽ còn cau mày sâu hơn nữa.

Một ban quản lý rừng lấy lý do "cần phát dọn" để "trồng thí điểm" loài cây mới theo đề án của chính phủ - vài hecta rừng ra đi oan ức. Một nhóm nông dân dùng công cụ thô sơ hì hục cả tuần trời trong rừng chặt nghiến một hecta để làm rẫy - kiểm lâm không phát hiện ra. Một doanh nghiệp làm bờ kè tiện máy xúc ủn đi một hecta rừng ngập mặn - chính quyền địa phương chỉ biết khi chuyện đã rồi.

Việt Nam là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới; và "không ai biết" là một mệnh đề rất khó nghe ở nước ta. Mỗi hecta rừng (trừ rừng ngập mặn) bị phá tùy mật độ có thể tạo ra từ một chục đến hàng chục mét khối gỗ, tương đương với từ một đến vài chiếc xe tải chạy trên đường nhựa.

Cách tiếp cận không thể là chúng ta đã từng mất rất nhiều rừng, nên bây giờ mất ít thì nên vui. Chính bởi vì chúng ta đã từng mất quá nhiều rừng, nên bây giờ mất thêm dù chỉ một mẩu thì càng cần đau xót. Việt Nam không thể chịu đựng được việc mất thêm một hecta rừng nào nữa, đặc biệt nếu nguyên nhân chỉ là sự tắc trách.

"Xảy ra phá rừng trên địa bàn mà chúng tôi không phát hiện, chắc chắn sẽ nhận một hình thức kỷ luật nào đó", một vị hạt trưởng kiểm lâm buồn bã. "Chắc chắn sẽ xử lý nghiêm", một vị lãnh đạo nào khác đanh thép. "Chúng tôi sẽ bồi thường và trồng lại cây mới", một doanh nghiệp "nhỡ tay" tuyên bố. Nhưng ai cũng hiểu rằng án kỷ luật và sự bồi thường không thể trả lại rừng. Nó là loại tài sản đặc biệt: để tạo ra tài sản này, chúng ta phải sử dụng tài nguyên quý giá nhất của nhân loại, là thời gian.

Tiền không thể mua được thời gian hình thành nên những tán rừng. Trong những thân gỗ to nằm xếp ngổn ngang sau những cuộc chặt phá, người ta đau lòng không phải vì tổng giá trị tài sản (theo quy định của pháp luật mất đi), mà vì hiểu rằng đằng sau kích thước của những cái cây ấy, là thứ tài nguyên loài người không tạo ra được: thời gian.

Con số nhỏ, có thể sẽ trôi đi và không được nhắc đến trong một bài tổng kết năm nào mà bạn đọc trên mặt báo.

Nhưng người viết bỗng muốn nghĩ khác, và dành bài viết này cho con số nhỏ đó. Nếu phải chọn một điểm nhấn cho năm 2023, tôi sẽ muốn chọn: ở Việt Nam vẫn còn nạn phá rừng.

Đức Hoàng